gia đình rồi đi chụp ảnh Tháp Luông. Thực lòng tôi cũng rất muốn biết cô
sống và là việc ở nơi đất khách quê người như thế nào. Và tôi cũng rất
muốn có những bức ảnh về cô gái mới bước ra từ Facebook hôm qua,
những bức ảnh về nơi cô đang sống, về những người bạn, người hàng xóm
của cô. Tôi tin vào những bức ảnh của mình vì nó chân thực. Nó nói với tôi
được nhiều điều mà chỉ nghe kể thôi tôi cũng không thể hình dung được.
Em chồng của H là một thanh niên vóc người đậm, chắc. Đôi mắt sáng
linh lợi hiếm gặp ở những người đồng hương của anh tôi gặp trên đường
suốt mấy ngày qua. Anh chậm rãi điều khiển xe qua những con phố, thi
thoảng giới thiệu với chúng tôi những địa danh hai bên đường bằng một
vốn từ tiếng Việt ít ỏi như H nói với tôi qua điện thoại. Thật ra anh biết
nhiều tiếng Việt hơn là tôi mong đợi. Qua câu chuyện tôi biết anh học tiếng
Việt từ H. Cũng phải, tôi chẳng có gì phải nghi ngờ.
Xe dừng lại, bước ra khỏi xe chúng tôi có ngay cảm giác như mình lọt
vào một góc chợ đêm ở một tỉnh lẻ. Những mái lều lợp tạm bằng nhiều chất
liệu từ cọ, tăng, bạt, nilon đến tôn ốp Nam liêu xiêu, nhập nhoạng trong ánh
đèn hắt ra từ những chiếc bóng tròn ngoắc một cách tạm bợ vào cột. Mùi
thức ăn, mùi khói than bốc ra từ những chiếc lò quạt tay gợi cho tôi nhớ về
một thời xa vắng. Những ký ức tưởng như đã ngủ im lìm đến lúc này cũng
bắt đầu cựa mình thức dậy.
Thấy chúng tôi loanh quanh chưa biết vào đâu thì nghe câu tiếng Việt:
- Các bác cứ vào đây ngồi đợi. Chị H ra ngay.
Tôi có đôi chút nghi ngờ, không biết liệu có phải mình đang ở nước
ngoài không. Mọi người ở đây hình như ai cũng biết nói tiếng Việt. Từ bà
bán hàng khô, ông bán than đến cô bán vịt quay. Ngay cả cô bé vừa rẽ qua
mua cốc nước mía cũng bập bẹ tiếng Việt. Khi hỏi "cháu là người Việt nam
à" thì cô đưa cặp mắt sáng tinh nghịch nhìn tôi và nở một nụ cười mặc
nhiên công nhận.