10
Đã là thời gian nắng nóng nhất năm 1863. Và cũng là ngày thứ hai
trong cuộc di cư dài ngày của Sáng và hai người anh em trai đến miền
duyên hải Quảng Châu. Đầu buổi chiều, họ đã tới được một ngã tư,
nơi có ba cái đầu bị chặt được cắm trên những chiếc cọc tre nhọn đóng
sâu xuống lòng đất. Không thể biết được chúng được cắm ở đó bao lâu
rồi. Vũ, đứa em út của họ cho rằng ít nhất cũng đã được một tuần, vì
những con mắt và phần lớn má của những cái đầu đó đã bị quạ rỉa.
Quốc Sĩ, người anh cả, thì cho rằng chúng mới chỉ bị chặt cách đây
một vài ngày. Anh ta tin rằng mình vẫn còn nhận ra nỗi khủng khiếp
trên những cái mồm méo mó biến dạng.
Sáng không nói gì cả. Trong mọi trường hợp, chẳng bao giờ Sáng
chịu nói ra những gì mình nghĩ. Những cái đầu bị chặt kia có thể là
một dấu hiệu gợi nhắc điều có thể xảy đến với ba anh em. Họ đã chạy
thoát thân ra khỏi ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Tây. Và cuộc
gặp gỡ rùng rợn này nhắc họ nhớ rằng cuộc sống của ba anh em vẫn
tiếp tục gặp nguy hiểm.
Họ rời khỏi cái nơi mà trong ý nghĩ Sáng đã đặt cho cái tên: “Ngã
tư ba đầu”. Trong khi Quốc Sĩ và Vũ tranh cãi nhau liệu đó có phải là
những tên cướp bị chặt đầu, hay là những người nông dân đã chọc
giận một địa chủ quyền thế, thì Sáng lại nghĩ về quá khứ đã dồn họ
vào cuộc bỏ trốn. Mỗi bước đi là họ lại tiếp tục cách xa thêm cuộc
sống trước đây của mình. Trong sâu thẳm tâm hồn, có lẽ hai anh em
của Sáng đều hy vọng rằng đến một ngày nào đó lại có thể trở về Vân
Hải, ngôi làng mà ở đó họ đã lớn lên. Còn về phần mình, Sáng lại
không rõ. Có lẽ những người nông dân và con cái của họ sẽ chẳng bao
giờ có thể thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực mà họ đang phải sống
trong đó. Anh em họ chờ đợi gì ở Quảng Châu? Nghe kể, tại đó người
ta có thể lẻn lên những chiếc tàu thủy vượt đại dương đi về hướng