Cô gái còn rất trẻ, cùng lắm chỉ mới khoảng mười tám, mười chín
tuổi. Mãi tới tận tối, khi trên tàu đã im lặng, chỉ còn lại một người bẻ
lái, một người đứng trên đài quan sát và một vài người canh gác, Sáng
mới thì thầm hỏi tên cô. Cô trả lời anh với ánh mắt mệt mỏi và tiếng
nói hầu như không nghe được. Tên cô là Tôn Na. Sáng không nói gì,
đưa cho cô gái chiếc chăn cũ kỹ của Quốc Sĩ. Cô gái nằm xuống, kéo
chăn phủ kín người từ đầu tới chân.
Ngày hôm sau, viên thuyền trưởng cùng với một phiên dịch đến chỗ
cô và chất vấn cô. Cô nói tiếng địa phương nghe rất giống tiếng ở quê
anh em Sáng. Cô nói khẽ tới mức mà hầu như không ai hiểu được cô
nói gì. Nhưng dù sao Sáng cũng biết được rằng cha mẹ cô đã qua đời
và một người họ hàng của cô dọa gả cô cho một điền chủ đáng sợ
thường xuyên đánh đập, ngược đãi những người vợ trẻ của hắn. Do
vậy Tôn Na đã trốn đến Quảng Châu, ở đó, cô đã lẻn lên tàu này để
đến châu Mỹ, nơi chị gái cô sống.
– Chúng tôi sẽ để cô sống, viên thuyền trưởng nói. Tôi không quan
tâm đến việc cô có chị gái hay không. Nhưng ở châu Mỹ đang rất
thiếu phụ nữ Trung Hoa.
Ông ta lấy từ trong túi ra một đồng tiền bạc, tung nó từ tay này sang
tay kia.
– Cô sẽ là một khoản thu nhập thêm của tôi trong chuyến đi này.
Điều này có ý nghĩa thế nào, cô chắc chắn không hiểu được. Nhưng
thế càng tốt.
Tối hôm đó, Sáng lại tiếp tục hỏi cô. Cô kéo chiếc chăn bẩn trùm
lên đầu và rất kiệm lời. Cô đến từ một làng có cái tên mà Sáng chưa
bao giờ nghe tới. Nhưng khi cô tả lại phong cảnh và đặc biệt là màu
nước con sông ở gần làng mình, anh hiểu ra ngay nó không cách xa
ngôi làng Vân Hải của anh là mấy.
Con tàu vẫn tiếp tục chạy về hướng Đông. Sáng lại khía vào cột
buồm khi một ngày trôi qua. Anh thấy những người đàn ông ban đêm
phải ngủ dưới hầm tàu chật chội, ngột ngạt, sức khỏe ngày càng tồi tệ