cuối cùng cái người tên là Vương Minh Hào này chẳng có liên quan gì
đến sự kiện đã xảy ra ở Hesjövallen. Một tên giết người ranh mãnh
liệu có để lại dấu vết rõ ràng như vậy không?
Ánh sáng trong nhà thờ yếu ớt. Bà phải đeo kính để đọc cuốn tạp
chí. Trên một trang bà nhìn thấy bức ảnh chụp một tòa nhà chọc trời
của Bắc Kinh và những dòng chữ Trung Quốc. Trên trang khác là một
loạt các con số, những tấm ảnh của một vài người đàn ông Trung
Quốc đang cười.
Bà quan tâm nhiều nhất đến những ký tự Trung Quốc được viết
bằng mực ở bìa sau. Ở đây Vương Minh Hào đến gần bà hơn. Có thể
những chữ này do chính tay anh ta viết ra. Anh ta muốn ghi nhớ điều
gì chăng? Và đó là điều gì?
Ai có thể giúp bà đọc những chữ này? Ngay khi đặt ra câu hỏi này,
bà đã có câu trả lời. Bỗng cái quá khứ đầy nhiệt huyết cách mạng trở
về trong bà. Bà rời khỏi nhà thờ, đi đến khu nghĩa trang với chiếc máy
điện thoại di động trên tay. Karin Wiman, một trong những cô bạn của
bà từ thời sinh viên ở Lund, đã trở thành nhà Hán học và đang làm
việc tại trường đại học Copenhagen. Karin không bắt máy, nhưng bà
đã để lại tin nhắn đề nghị Karin gọi lại cho mình. Sau đó bà trở về chỗ
đậu xe, phóng đến một khách sạn lớn ở trung tâm thành phố và thuê
một phòng ở đó. Căn phòng rộng rãi nằm ở tầng trên cùng. Bà bật vô
tuyến và được biết đêm nay sẽ có tuyết rơi.
Bà nằm xuống giường chờ đợi. Bà nghe có tiếng đàn ông cười ở
phòng bên cạnh.
Tiếng chuông điện thoại cầm tay làm bà thức giấc. Đó là Karin gọi
lại cho bà, không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Khi Birgitta Roslin giải thích
rõ chuyện của mình, Karin Wiman bảo bà gửi qua máy fax cho bà ấy
tấm ảnh với những dòng chữ ghi ở đó. Tại quầy lễ tân của khách sạn,
người ta đã vui vẻ giúp bà fax bức ảnh này đi. Bà trở về phòng mình
và chờ đợi. Lúc này ở bên ngoài trời đã tối. Cũng đã đến lúc phải gọi