phòng tranh tối tranh sáng, chỉ được chiếu sáng bởi ngọn đèn ngủ và
ánh sáng của chiếc vô tuyến mà bà đã tắt tiếng. Bản sao không rõ nên
bà khó đọc được tấm bản đồ. Bà tìm vị trí của Tử Cấm Thành và
quảng trường Thiên An Môn. Ký ức sống lại trong bà.
Birgitta Roslin đặt tấm bản đồ sang một bên và nghĩ đến các con gái
của mình, nghĩ đến cái thời bà bằng tuổi chúng bây giờ. Cuộc trò
chuyện với Karin Wiman đã gợi nhắc bà về con người bà đã từng là
trước đây. Quá gần gũi nhưng cũng đã quá xa xôi, bà tự nhủ. Có
những kỷ niệm vẫn còn rõ nét, một số khác lại nhạt nhòa hơn sau mỗi
lần gắng nhớ lại. Mình thậm chí còn không nhớ nổi gương mặt một số
người từng rất thân thiết với mình. Còn những người khác, ít quan
trọng hơn, thì hôm nay mình lại nhớ rất rõ. Tất cả luôn ở trong trạng
thái vận động, ký ức đến rồi đi, lúc rõ nét, lúc nhạt nhòa, lúc mờ lúc
tỏ, mất đi hoặc giành lại được ý nghĩa.
Nhưng ta không bao giờ phủ nhận rằng, những năm tháng đó là
những năm tháng quyết định trong cuộc đời ta. Ngay ở giữa sự hỗn
mang của mình, ta vẫn tin tưởng chắc chắn rằng sự đoàn kết và giải
phóng sẽ dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn. Ta sẽ không bao giờ quên
cái cảm giác được ở giữa thế giới, ở giữa cái thời mà tất cả mọi
chuyện đều có thể.
Nhưng ta đã không biết cách nâng cuộc sống của mình lên ngang
tầm với niềm tin ấy. Trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất, ta có cảm
giác mình là kẻ phản bội. Nhất là với người mẹ đã khích lệ ta dấy
loạn. Chủ tâm chính trị của ta thực ra chỉ là một nước sơn ta phủ bên
ngoài sự sinh tồn của mình, một lớp sơn bóng bên ngoài Birgitta
Roslin! Điều duy nhất ta thực sự đạt được, đó là ta đã nỗ lực làm một
thẩm phán đàng hoàng. Điều này thì không ai có thể lấy mất của ta.
Bà uống trà và lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Bà sẽ lại đến gõ cửa
sở cảnh sát, thông báo cho họ biết phát hiện của mình. Lần này họ sẽ
buộc phải nghe bà! Cuộc điều tra vẫn giậm chân tại chỗ. Lúc tới khách
sạn, bà đã nghe thấy mấy người Đức đứng nói chuyện với nhau ở tiền