Trung Quốc. Ngày hôm sau trong thùng thư nhà mình, bà đã có tấm
ảnh phóng to. Lúc này nó đang nằm trong túi xách của bà. Bà lấy nó ra
khỏi chiếc phong bì.
Anh ta sống ở đâu đó, Birgitta Roslin nghĩ, nhưng làm sao tìm ra
được anh ta giữa hàng tỉ người? Mình sẽ không bao giờ biết được anh
là ai. Liệu đó có phải là tên thật của anh không. Và nhất là anh ta đã
làm gì.
Bà thong thả đi ra lối cửa dành cho chuyến bay Bắc Kinh, hành
khách đã đứng chờ, phân nửa là người Trung Quốc. Châu Á đã bắt đầu
từ đây, bà nghĩ. Đường biên giới xê dịch trên các sân bay, chúng đến
gần hơn, trong khi vẫn ở rất xa.
Bà ngồi ở ghế số 22C. Bên cạnh bà là một người da màu, làm việc
cho một công ty của Anh ở Bắc Kinh. Họ vui vẻ trao đổi một vài câu
với nhau, nhưng đáng tiếc là cả hai không có nhu cầu dấn sâu vào
cuộc chuyện trò. Bà co ro trong chiếc chăn len và nhận thấy cảm giác
hồi hộp lúc này đã được thay thế bởi ý nghĩ chuyến đi này đã không
được chuẩn bị chu đáo. Thực ra bà sẽ làm gì ở Bắc Kinh? Đi dạo trên
đường phố, ngắm nhìn mọi người, đi thăm viện bảo tàng? Chắc chắn
Karin Wiman sẽ không có nhiều thời gian cho bà. Bà nghĩ rằng con
người nổi loạn thời trẻ vẫn còn lại gì đó trong bà.
Mình đi chuyến này để tự tìm lại mình, bà nghĩ. Chứ không phải
tìm kiếm một cách vô vọng một người đàn ông Trung Quốc đã giật
đứt một dải băng đỏ của chiếc đèn lồng và sau đó có lẽ đã giết chết
mười chín con người. Mình đang tìm cách nối lại những đầu dây bị xổ
ra của cuộc đời mình.
Chuyến hạ cánh không như mong đợi. Khi tới lãnh thổ Trung Quốc,
cơ trưởng đã thông báo do bão cát nên máy bay không hạ cánh xuống
sân bay Bắc Kinh được mà buộc phải đáp xuống thành phố Thiên An
và chờ thời tiết tốt hơn. Sau khi máy bay hạ cánh, họ lên một chiếc xe
buýt tới phòng chờ khá lạnh, trong đó đã có những người Trung Quốc
mặc quần áo dày cộp đang im lặng ngồi chờ. Lệch múi giờ khiến bà