24
Buổi sáng đầu tiên ở Bắc Kinh, Birgitta Roslin dậy sớm. Bà đã cùng
ăn điểm tâm với Karin Wiman trong phòng ăn rộng thênh thang, trước
khi Karin phải khẩn trương đến hội nghị và nghe những bài phát biểu
xuất sắc về vị hoàng đế mà hầu như không còn dân thường nào quan
tâm đến nữa. Đối với Karin Wiman, ở một vài phương diện thì lịch sử
dường như sống động hơn hiện tại.
– Khi mình còn trẻ và nổi loạn, trong những tháng khủng khiếp lúc
bấy giờ, vào mùa xuân và mùa hè năm 1968, mình đã sống trong một
ảo tưởng, gần như là bị khóa chặt trong một kiểu giáo phái tín ngưỡng.
Sau đó mình đã tìm được chỗ ẩn náu trong lịch sử, nơi không gì có thể
làm cho mình đau đớn. Và rồi ai mà biết được, chẳng mấy mà mình sẽ
lại được sống trong thực tế như bạn.
Birgitta Roslin không muốn phân biệt rạch ròi điều gì là mỉa mai,
điều gì là sự thật trong câu nói của Karin. Khi đã ăn mặc thật ấm để có
thể dám bước ra ngoài trong thời tiết lạnh khô khắc nghiệt, bà đem
theo trên đường những lời nói của Karin. Có thể những lời này có giá
trị đối với chính bản thân bà chăng?
Tại quầy lễ tân, một cô gái rất đẹp, nói tiếng Anh lưu loát, đã đưa
cho bà một tấm bản đồ thành phố. Một câu trích dẫn hiện ra trong đầu
bà. Sự chuyển mình hiện nay của phong trào nông dân là một sự kiện
vĩ đại. Đó là lời phát biểu của Mao được đưa ra trong những cuộc thảo
luận gay gắt vào mùa xuân năm 1968, luôn luôn được nhắc lại.
Con đường trước mặt bà rộng rãi và nhiều luồng. Khắp nơi chỗ nào
cũng chỉ thấy xe hơi, còn xe đạp thì hầu như vắng bóng. Bên đường là
trụ sở rộng lớn của một nhà băng và một hiệu sách cao năm tầng. Trên
vỉa hè, những người bán hàng bày la liệt những bịch nước khoáng.
Mới đi được một đoạn mà Birgitta Roslin đã cảm thấy không khí ô
nhiễm thiêu đốt mũi và cổ họng bà, để lại trong miệng bà vị như kim