Bây giờ khi đứng trước khách sạn, bà nhận ra rằng vào mùa xuân
năm 1968 ấy bà cũng cảm thấy y hệt như chuyến đi thuyền trên khúc
sông chảy xiết Zambezi: bà bị cuốn đi trong phong trào của những
người nổi loạn, những người nghiêm túc tin rằng không lâu nữa “quần
chúng” Thụy Điển sẽ đứng dậy chống lại bọn tư bản và bọn dân chủ
xã hội phản bội giai cấp.
Lúc này, khi đứng trước khách sạn bóng lộn với mặt tiền được ốp đá
cẩm thạch, còn nhân viên lễ tân thì nói tiếng Anh lưu loát không chê
vào đâu được, bà cảm thấy như mình đã được đưa đến một thế giới
khác mà bà hoàn toàn không hề biết đến sự tồn tại. Có đúng đây là xã
hội nơi mà sự chuyển mình của phong trào nông dân đã là một sự kiện
vĩ đại?
Bà nhìn lên tấm bản đồ và thong thả đi dọc theo con phố. Đã biết
bao lần bà mường tượng ra thành phố này. Thời trẻ, bà đã tuần hành,
đã bị cuốn hút bởi hàng triệu người khác, mang một thế lực mà tư bản
phát xít không thể chống lại được. Còn bây giờ bà đang ở đây, là một
nữ thẩm phán Thụy Điển, được nghỉ ốm vì chứng huyết áp cao. Phải
chăng cuối cùng bà đã tới đích, tới thánh địa Mecca mơ ước thời trẻ,
tới được quảng trường vĩ đại nơi Mao vẫy tay chào khối đông quần
chúng, và cả một vài sinh viên đã ngồi trên sàn nhà của một căn hộ ở
Lund tham dự cuộc họp quần chúng đầu tiên? Dù cho sáng nay có hơi
bối rối một chút vì hình ảnh nhìn thấy không giống như điều mình chờ
đợi, nhưng dù sao bà cũng cảm thấy như một khách hành hương cuối
cùng đã đến được cái đích từng ước ao.
Cái lạnh ở đây khô và buốt giá. Bà cúi đầu xuống một chút để tránh
những đợt gió lạnh và cát phả lên mặt mình. Bà có tấm bản đồ trong
tay, nhưng bà biết rằng chỉ cần đi theo đại lộ này là tới được nơi cần
đến.
Một kỷ niệm nữa lại ùa về trong tâm trí bà. Trong những năm làm
thủy thủ, cha bà đã có lần đến Trung Quốc. Bà nhớ đến một bức tượng
Phật bằng gỗ mà ông đã đem về tặng mẹ.