Birgitta Roslin mở chiếc túi xách. Tất cả vẫn còn, chỉ mất đi số tiền
mặt. Bà ngạc nhiên phát hiện thấy bao diêm mà mình tìm kiếm nằm
trong đó.
– Đủ cả, chỉ bị mất tiền thôi.
– Chúng tôi hy vọng sẽ bắt được kẻ phạm tội. Chúng sẽ bị trừng
phạt nghiêm khắc.
– Nhưng chắc chắn sẽ không bị kết án tử hình chứ?
Một phản ứng hầu như khó nhận thấy thoáng hiện trên khuôn mặt
của bà Hồng. Nhưng Birgitta đã nhận ra.
– Luật pháp của chúng tôi rất nghiêm minh. Nếu như trước đó
chúng đã có tiền án, có thể sẽ phải chịu hình phạt tử hình. Nếu như
chúng có tiến bộ, án này sẽ được chuyển sang án tù.
– Thế nếu họ không thay đổi?
Một câu trả lời lảng tránh:
– Luật pháp của chúng tôi rõ ràng và minh bạch. Nhưng không có gì
là hoàn toàn chắc chắn. Chúng tôi luận tội từng trường hợp một.
Những hình phạt được áp một cách tự động sẽ không bao giờ công
bằng.
– Bản thân tôi cũng là thẩm phán. Theo tôi, áp dụng án tử hình là
một quan niệm cực kỳ nguyên thủy của luật pháp, loại hình phạt này
rất hiếm khi, hoặc thậm chí là không bao giờ có tác dụng răn đe.
Birgitta Roslin bỗng cảm thấy ghê tởm chính cái giọng điệu dạy đời
của mình. Nhưng Hồng Quế lại nghiêm túc lắng nghe bà nói. Nụ cười
của bà ta biến mất. Một cô phục vụ đến bên bàn của họ, lập tức bà ta
hất đầu ra hiệu bảo cô ấy đi đi. Birgitta Roslin có cảm giác rõ ràng
rằng kịch bản lại lặp lại. Hồng Quế không hề có phản ứng gì khi nghe
bà nói mình cũng là một thẩm phán. Bà ta đã biết điều này.
Ở đất nước này, họ biết mọi điều về mình, bà thầm nghĩ. Ý nghĩ này
khiến bà phẫn nộ, trừ khi đó không phải là điều mà bà tưởng tượng ra.