cách mạng vĩ đại, Birgitta Roslin thầm nghĩ. Khi một dân tộc tự giải
phóng mình, điều đó có nghĩa là dân tộc đó có quyền mơ những ước
mơ của họ, được đặt chân vào những căn phòng cấm nơi áp bức từng
ngự trị.
Cứ năm người trên trái đất thì có một người là người Trung Quốc.
Nếu gia đình mình đại diện cho thế giới thì có một người trong nhà là
người Trung Quốc. Bọn mình đã được tập quen với ý nghĩ này, bà tự
nhủ. Những nhà tiên tri theo chủ nghĩa Mao của bọn mình, đặc biệt là
Moses, con người tinh thông thuyết lý chính trị, thường xuyên nhắc
nhở mọi người rằng không thể bàn về tương lai, nếu như không có
Trung Quốc tham dự vào những cuộc bàn bạc đó.
Giữa lúc định rời khỏi Tử Cấm Thành, bà ngạc nhiên phát hiện thấy
một quán cà phê thuộc chuỗi nhà hàng rất nổi tiếng của Mỹ. Tấm biển
trên bức tường gạch nung như kêu gọi bà. Bà để ý xem những người
Trung Quốc đi qua quán cà phê đó phản ứng như thế nào. Thi thoảng
có người dừng lại chỉ trỏ, thậm chí cũng có người đi vào quán, nhưng
phần đông tỏ ra thờ ơ, không bận tâm đến thứ mà Birgitta xem là một
sự phạm thượng tồi tệ. Trung Quốc rõ ràng vẫn còn là một ẩn số.
Nhưng phải đi xa hơn nữa, bà tự nhủ. Ngay cả sự hiện diện của một
quán cà phê Mỹ cũng có thể được lĩnh hội nhờ vào việc phân tích
khách quan tình hình thế giới.
Bà trở về khách sạn, vào quầy bar bên cạnh phòng lễ tân gọi một
tách cà phê. Bà tìm một tờ nhật báo tiếng Anh. Ở chỗ để các loại báo,
bà lấy ra tờ The Guardian, ngồi vào góc phòng, nơi có lò sưởi đang đỏ
lửa. Một vài du khách Mỹ đang to tiếng thông báo đã đến giờ đi thăm
Vạn Lý Trường Thành. Bà thấy thiếu thiện cảm với họ.
Khi nào bà mới đi thăm Vạn Lý Trường Thành? Người ta có thể nói
rằng đã thăm Trung Quốc mà không nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành
không? Nghe nói đó là công trình kiến trúc duy nhất có thể nhìn thấy
từ vũ trụ.