Căn lều của bà nằm hơi tách biệt ra một chút. Những âm thanh của
thiên nhiên bao quanh bà. Cơn gió nhẹ mang theo mùi muối, cát ẩm và
một mùi gì đó rất khó tả.
Bà thả mình theo dòng suy nghĩ. Mao Chủ tịch từng nói rằng trong
chính trị mỗi một khuynh hướng lại ẩn giấu một khuynh hướng khác.
Rằng ở sau cái mà người ta có thể nhìn thấy thì lại có một cái khác
đang hình thành. Cuộc nổi dậy vào ngày hôm nay hay mười nghìn
năm nữa thì cũng đều chính đáng. Lịch sử của đất nước Trung Hoa cổ
xưa, cùng với hàng ngàn năm nhục nhã, áp bức đẫm máu, mồ hôi và
nỗ lực đã rèn giũa nên sức mạnh cách mạng tương lai. Quyền lực tàn
bạo của các lãnh chúa phong kiến đã dẫn đến sự suy tàn và nghèo đói
không kể xiết ở Trung Quốc. Nhưng trong nỗi thống khổ ấy đồng thời
cũng xuất hiện sức mạnh nuôi dưỡng nhiều cuộc chiến tranh và các
phong trào nông dân không bao giờ hoàn toàn bị dập tắt. Cuộc đối đầu
kéo dài hàng trăm năm. Nhà nước của bọn quan lại và của các triều đại
vua chúa đã phải rút vào một thành trì được cho là không thể đánh
chiếm. Nhưng sự bình lặng không bao giờ trở lại, cuộc nổi dậy tiếp
tục, và cuối cùng thời cơ cũng chín muồi, các thủ lĩnh nông dân đã
vĩnh viễn tống cổ bọn lãnh chúa phong kiến ra khỏi đất đai tài sản của
chúng và hoàn thành cuộc giải phóng nhân dân.
Mao Trạch Đông đã biết sẽ có nguy cơ gì. Ngay trong ngày tuyên
ngôn sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên quảng
trường Thiên An Môn năm 1949, ông đã tập hợp những đồng chí thân
cận nhất của mình và nói rằng Nhà nước mới được thành lập vài giờ
nhưng các lực lượng chống đối đã bắt đầu hình thành.
“Ai tin rằng, trong thời đại của chủ nghĩa cộng sản, sẽ không còn
xuất hiện hàng ngũ quan lại, thì người đó hoàn toàn không hiểu gì cả,”
ông đã nói như vậy. Và nhiều sự kiện sau này đã cho thấy là ông đúng.
Trong lúc chờ đợi sự đăng quang của một con người mới, đoạn tuyệt
hoàn toàn với những giá trị thừa hưởng từ quá khứ, người ta vẫn sẽ
luôn thấy có những nhóm cá nhân tìm cách chiếm đoạt các đặc quyền.