– Tôi đã sang Trung Quốc, bà Roslin nói. Tôi đã đến Vạn Lý
Trường Thành. Và tôi đã bị tấn công, phải trải qua một ngày vất vả với
cảnh sát.
– Vậy sao? Bà có bị thương không?
– Không. Tôi chỉ sợ thôi. Nhưng tôi đã nhận lại được chiếc túi xách
bị cướp.
– Dù sao bà cũng đã gặp may.
– Phải. Tôi đã gặp may. Cảm ơn bà đã dành thời gian cho tôi.
Sau khi kết thúc cuộc điện thoại, Birgitta Roslin còn ngồi lại một
hồi lâu trong phòng làm việc. Bà không hề nghi ngờ, các chuyên gia
được triệu tập cho cuộc điều tra sẽ phản ứng khi họ tìm thấy dù chỉ là
một dấu hiệu rất nhỏ cho biết cuộc điều tra đã rơi vào ngõ cụt.
Buổi chiều tối bà đi dạo khá lâu và sau đó dành mấy tiếng đồng hồ
để xem các tạp chí mới xuất bản về các loại rượu vang vừa được nhập
cảng. Bà ghi lại tên mấy loại vang đỏ của Ý mà bà muốn đặt mua. Sau
đó bà xem trong vô tuyến một bộ phim cũ mà trước kia Staffan và bà
đã có lần xem. Jane Fonda đóng vai gái điếm, màu sắc nhợt nhạt, lạt
lẽo, cốt truyện kiểu cách và bà phải bật cười vì cách ăn mặc kỳ cục
theo mốt thời bấy giờ, đặc biệt là đôi giày đế dày, như cục gạch.
Bà đang thiu thiu ngủ thì điện thoại đổ chuông. Đồng hồ trên mặt tủ
đầu giường chỉ mười hai giờ kém mười lăm. Tiếng chuông im bặt. Có
lẽ là Staffan hoặc các con bà gọi vào máy di động. Bà lại tắt đèn. Điện
thoại lại đổ chuông. Bà ngồi bật dậy, với tay nhấc điện thoại trên mặt
bàn.
– Bà Birgitta Roslin phải không? Tôi lấy làm tiếc phải gọi điện cho
bà vào giờ này. Bà vẫn nghe đấy chứ? Bà có nhận ra tôi không?
Bà biết giọng nói này, nhưng không nhớ là giọng của ai. Đó là một
người đàn ông đã nhiều tuổi.
– Không, tôi không nhớ ra được.
– Sture Hermansson.