đó giờ là một cô gái, trông như người Thái Lan hoặc Philippines. Bà
tới quảng trường Leicester rồi từ đó tìm đường đến khu phố Tàu. Phần
lớn các tiệm ăn còn đóng cửa. Bà tìm đến địa chỉ của Hà. Tiệm ăn ở
tầng trệt vẫn đóng cửa. Ngôi nhà xây bằng gạch nung đỏ thẫm, nằm
giữa hai hẻm nhỏ. Bà quyết định nhấn chuông căn hộ phía trên.
Nhưng có điều gì đó khiến bà do dự rụt ngón tay lại. Bà vào quán cà
phê đối diện và gọi một tách trà. Thực ra bà biết được gì về Hà? Và bà
đã biết được gì về Hồng Quế? Có lần Hồng Quế như từ cõi hư vô xuất
hiện trước mặt bà bên chiếc bàn ăn ở khách sạn. Ai đã phái bà ấy đến?
Có phải Hồng Quế là người đã cho người theo sát Karin và bà vào cái
hôm hai người đi thăm Vạn Lý Trường Thành? Chỉ có một điều chắc
chắn: cả Hồng Quế lẫn Hà đều biết rất rõ về bà. Và tất cả đều từ tấm
ảnh mà ra. Trong bối cảnh ấy, vụ cướp chiếc túi xách dường như
không còn là một tai nạn đáng tiếc nữa, mà ăn khớp với tất cả những
việc còn lại. Khi tìm cách để hiểu rõ vấn đề hơn, thì dường như bà lại
càng lạc sâu vào một mê lộ.
Liệu bà có lý không khi cho rằng Hồng Quế đã tìm cách để dụ bà ra
khỏi khách sạn? Có lẽ chuyện Hồng Quế chết ở châu Phi do một vụ tai
nạn cũng không phải là thật? Thực ra điều gì có thể chứng minh rằng
Hồng Quế và người đàn ông mang cái tên là Vương Minh Hào, bằng
cách này hay cách khác, lại không cùng nhau dính líu đến vụ giết
người hàng loạt ở Hesjövallen? Cũng từ lý do đó mà Hà đã đến
Helsingborg? Có thể Hà cũng không biết chuyện một người Trung
Quốc lại hiện diện tại khách sạn Eden? Và liệu chăng những thiên thần
hộ mệnh đáng yêu kia lại chính là những thiên thần sa ngã đang khiến
bà phân tâm để tước hết mọi khả năng tự vệ của bà?
Birgitta Roslin cố nhớ lại những gì đã kể với Hồng Quế trong
những lần hai người chuyện trò. Bấy giờ bà mới nhận ra là mình đã
nói quá nhiều. Thật bất cẩn làm sao! Hồng Quế là người đã giật dây tất
cả. Một lời nhận xét tình cờ và vô hại rằng vụ giết người hàng loạt ở
Thụy Điển cũng được các phương tiện thông tin Trung Quốc đưa tin?