Nhã Như mỉm cười. Phản ứng của bà đã phản bội bà. Thoạt tiên
chúng cho biết bà sợ và cảnh giác, rồi giờ thì rõ ràng là bà sợ một
người đàn ông Trung Quốc nhảy xổ vào mình.
Hai cảnh sát đưa bà về khách sạn. Nhã Như đi theo sau, giữ một
khoảng cách nhất định. Lúc này hắn đã biết nơi bà ở. Cảnh sát đưa bà
về tới lối vào khách sạn, sau khi thấy bà đã có thể đi một mình được,
họ chào bà rồi quay đi. Nhã Như thấy nhân viên lễ tân trao chiếc chìa
khóa để ở ngăn trên cùng cho bà Roslin. Hắn chờ thêm mấy phút rồi
mới bước vào bên trong. Nhân viên lễ tân là một phụ nữ Trung Quốc.
Nhã Như cúi người chào và đưa cho chị ta một mảnh giấy.
– Người phụ nữ vừa vào đây. Bà ấy đánh rơi tờ giấy này trên đường
đi.
Nhân viên lễ tân cầm lấy tờ giấy để nó vào một ngăn trống có ghi số
phòng 614, nằm ở tầng trên cùng của khách sạn. Đó chỉ là một tờ giấy
trắng. Bà Roslin hẳn sẽ hỏi mảnh giấy này là của ai đưa trả.
Một người Trung Quốc, câu trả lời sẽ là như vậy. Và bà ấy sẽ còn
hoảng sợ hơn và cũng sẽ cảnh giác hơn. Sau khi đã nhận ra được điều
này, có nghĩa là nó sẽ không còn là mối nguy hiểm đối với hắn nữa.
Nhã Như làm ra vẻ như đang đọc tờ quảng cáo của khách sạn trong
lúc nghĩ xem làm thế nào để biết bà Roslin đăng ký ở lại đây đến hôm
nào. Cơ hội đã đến, một cô gái người Anh đến thay ca trực cho người
phụ nữ Trung Quốc. Nhã Như đi đến bên quầy lễ tân.
– Bà Birgitta Roslin, anh ta nói. Đến từ Thụy Điển. Tôi có nhiệm vụ
đưa bà ấy ra sân bay. Nhưng tôi không biết là ngày mai hay ngày kia.
Cô lễ tân không chút nghi ngờ, gõ lên bàn phím máy tính.
– Bà Roslin đăng ký nghỉ ba đêm. Tôi có cần gọi điện thoại cho bà
ấy để hai người thống nhất giờ đón không?
– Tôi sẽ làm việc với văn phòng của chúng tôi. Không nên quấy rầy
khách khi không cần thiết.
Nhã Như rời khách sạn. Trời lại bắt đầu mưa phùn. Hắn dựng cao
cổ áo, đi về đường Garrick để vẫy taxi. Bây giờ hắn không còn phải lo