đơn thư suốt mấy tháng trời. Anh tìm cách kiện họ. Anh nhấn chìm họ với
sự uất hận của một người cha mất con.
Nhưng ở khắp mọi nơi, không sớm thì muộn, Ove đều bị chặn lại bởi
những người đàn ông mặc áo sơ mi trắng có vẻ mặt lạnh lùng và trịch
thượng. Không thể đấu lại họ. Họ không chỉ có sự hậu thuẫn của nhà nước,
họ chính là nhà nước. Những lá đơn bị bác cho đến cái cuối cùng, cuộc
chiến chấm dứt vì những chiếc áo trắng đã quyết định như thế. Và Ove
không bao giờ tha thứ cho bọn họ về chuyện đó.
Sonja đã chứng kiến tất cả. Cô hiểu điều gì làm anh đau. Thế nên cô để
mặc anh giận dữ, để cho cơn thịnh nộ được xả ra ở đâu đó, theo cách nào đó.
Nhưng vào một buổi chiều tối tháng Năm, khi tiết trời hứa hẹn một mùa hè
sắp tới, Sonja lăn xe tới chỗ Ove, để lại hai vệt bánh lờ mờ trên lớp ván sàn.
Anh đang ngồi bên bàn bếp viết một lá thư khiếu nại. Cô tước chiếc bút khỏi
tay Ove, đặt tay mình vào đó, và ấn ngón tay vào lòng bàn tay thô ráp của
anh. Cô dịu dàng áp trán vào ngực anh.
— Đủ rồi anh ạ. Không đơn thư khiếu nại gì nữa. Chúng chiếm hết không
gian sống của chúng ta rồi.
Cô ngước mặt lên, nhẹ nhàng vuốt má anh và mỉm cười.
— Như vậy là đủ rồi, anh yêu à.
Và thế là chuyện đó chấm dứt.
Sáng hôm sau, Ove thức giấc lúc bình minh, lái xe đưa Sonja đến trường,
và tự tay xây con dốc dành cho xe lăn mà hội đồng thành phố đã từ chối tài
trợ. Kể từ đó, trong chừng mực mà ông nhớ được, tối nào Sonja cũng về nhà
với ngọn lửa trong đôi mắt và kể ông nghe về những học sinh của mình.
Những đứa trẻ được cảnh sát áp giải đến giao cho nhà trường, nhưng khi ra
về, chúng có thể đọc những vần thơ bốn trăm năm tuổi. Những đứa trẻ khiến
bà khóc, cười và ca hát cho đến khi giọng nói của bà làm rung rinh tấm trần
của ngôi nhà nhỏ.
Ove chưa bao giờ hiểu được ngọn ngành câu chuyện về những đứa trẻ cá
biệt đó, nhưng ông rất cảm kích vì những điều mà chúng làm cho Sonja.