thảo khoa học. Thì cũng mấy người cày ruộng trên đồng Đất Sét với anh
Rác chứ ai khác đâu. Nhưng là do đám con của ba nái heo mới sinh đã làm
nảy nguồn cảm hứng trong bọn họ. Ở làng Dầu có nhiều người nuôi heo nái
đẻ. Nhưng chẳng ai dám bán một con bò để lấy tiền nuôi heo đẻ như anh
Rác. Bán con bò cái lúc đã cày xong vụ ba. Sáu bảy tháng sau mới có vụ
xuân, cũng là lúc anh ấy có trong tay một bầy heo con. Bán bầy heo con để
mua lại con bò cày. Còn mấy con heo nái mẹ thì cứ tiếp tục chửa đẻ.
-Nuôi con vật nào đẻ nhiều con hơn là làm ăn có khoa học.
Sau khi phân tích đường đi nước bước trong làm ăn của anh Rác, bọn họ đã
đi đến kết luận như thế.
-Hay là thằng Rác hãy bán đám heo đi để nuôi gà. Vì lũ heo phải sáu tháng
mới đẻ một lần, trong khi lũ gà thì tháng nào cũng đẻ từ mười đến mười
lăm cái trứng.
Ông Rường đến ăn cúng ông Chuồng cũng tham gia bàn bạc với đám trai
trẻ trong làng. Chủ định của ông là cho vui thôi. Nhưng về sau, câu ấy cũng
đã góp một phần quan trọng trong cuộc chuyển đổi làm ăn của anh Rác.
Lũ heo con chỉ vui đùa chạy nhảy trong mấy ngày đầu, vì sau đó thì con
nào cũng phải lo đối phó với chuyện ỉa chảy.
Anh Rác thấy lo.
Nhưng chị Rác nói:
-Con nít đứa nào cũng sọt sẹt suốt ngày thế.
Chị đã đem kinh nghiệm nuôi lũ thằng Cỏ ra áp dụng cho việc nuôi heo. Cứ
nghe mấy tiếng sọt sẹt suốt ngày rặt miền sông Tượng núi Tượng cũng đủ
hình dung cảnh ỉa chảy của lũ heo con. Nhưng anh chị ấy lại không hình
dung được hậu quả của việc sọt sẹt suốt ngày. Khi thú y đến nhà chích
thuốc ỉa chảy cho lũ heo con thì lũ chúng không còn mút vú mẹ nổi, đừng
nói chi việc đi đứng. Chỉ trong vòng không đầy nửa tháng, lũ heo con đã
lần lượt từ giã mẹ chúng để về nơi an nghỉ cuối cùng. Lũ thằng Cỏ khóc vì
mất đám bạn nhỏ, tuy là heo nhưng cách nghịch ngợm trong vui đùa lại rất
hợp ý hai đứa nó. Còn chị Rác khóc vì công cuộc làm ăn coi như bị gãy
gánh giữa đường. Một nửa tiền bán bò để mua cám cho heo đến lúc đó là
hết. Thị trường bò heo bấy lâu cũng ổn định. Có nghĩa lúc đó bán ba con