Cách nay khoảng dưới mười nghìn năm thì loài người đã biết gieo hạt, chờ
mùa lên để hái quả, đã biết bắt con thú rừng con về nuôi. Đấy là thuở loài
người đã chuyển săn bắt hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt. Tức là đã biết
cách tự làm ra thức ăn để sống. Trong gần muời nghìn năm qua, loài người
đã có những tiến bộ vượt bậc trong chăn nuôi và trồng trọt như cha con ta
vừa thảo luận. Tuy sống trong thời có những phát minh khoa học như thế,
nhưng con thì cũng có cách thức sống chẳng mấy khác với những người
thời tiền sử. Nghe nói có giống lúa mới như thế, thì con mua về gieo trồng,
chứ chẳng biết tại làm sao lại có được những thứ như thế. Nghe nói nuôi bò
nuôi heo sinh sản lãi suất cao, thì mua bò cái mua heo cái về nuôi, chứ
không biết con bò con heo đã trải qua những giai đoạn sinh trưởng thế nào,
sẽ bị mắc phải những thứ bệnh gì, và khi xảy ra bệnh thì chỉ biết đi gọi thú
y, chứ chẳng biết chữa trị thế nào. Nói gọn lại, nếu người tiền sử hái luợm
những thành quả của thiên nhiên, thì ngày nay con hái lượm những thành
quả của khoa học.
-Như vậy là phải biết hết những thứ mình chưa biết mới gọi là áp dụng
khoa học trong làm ăn?
-Phải. Có nghĩa là con phải học. Nhưng cha biết, tới tuổi con thì chẳng học
hành gì được nữa. Tức vẫn tiếp tục làm người hái lượm.
-Như vậy vợ chồng con cái của con sẽ chết.
-Ai nói? Đâu phải tới bữa nay, mà từ lúc biết cầm cây cày cây cuốc, con đã
làm người hái lượm. Cũng không phải chỉ mỗi mình con, mà những người
cày ruộng trên đồng Đất Sét hầu hết là những người hái lượm. Còn cả hàng
triệu người trên đất nước này trên thế giới này là người hái lượm.
-Vậy là cứ tiếp tục làm ăn, chứ chẳng sao?
-Phải. Không sao, không sao.
Ông Ruông rất vui, vì đã sử dụng chính thứ ngôn ngữ con trai ông thổ lộ
trong mơ để cổ vũ sự làm ăn của con ông.