sinh thêm phong phú đấy thôi.
Sự thật thì thứ cô đơn nguyên thủy này chẳng có trở ngại nào đối với ông
Bảy Mươi Sáu. Mỗi lần nó xâm nhập vô ông thì ông lại đi chuyện trò cùng
lũ bò.
Nhưng có một thứ luôn gây trở ngại đối với ông là khái niệm về sự vĩnh
hằng. Nắng hạn, lúa héo khô dần, rồi chết. Bị ngã xuống suối, một trong hai
con bò cày bỏ ăn, rồi chết, ông phải bỏ ra công sức thuần hóa một con bò
rừng khác. Đến như đám gà con, con của mái gà ông mới nuôi để làm thực
phẩm, chỉ qua một đêm mưa gió cũng chết hết. Tại sao lại có sự chết? Ông
chưa quen được với điều này, vì chưa gạt bỏ được khái niệm vĩnh hằng ra
khỏi ký ức. Một thứ vật thể khác, gọi là nỗi buồn, lại bắt đầu xâm nhập vào
ông. Đến lúc này ông không hỏi lũ bò nữa, mà quyết định phải ra đi. Ông
quyết định phải đi cho thật xa, đến những nơi có đủ các hình thái sống của
loài người, để học cách tồn tại ở trần gian. Chính bộ tộc người ông gặp đầu
tiên đã dạy ông về cách ăn nói. Mọi người trong bộ tộc đều bỏ chạy khi ông
mới mở miệng hỏi: đây là nơi đâu? Cái giọng nói gây giông sấm mưa bão
của Lạc Long Quân di truyền cho ông đã làm hại ông. Nhưng trí tuệ Au Cơ,
trí tuệ của mẹ ông, mách bảo với ông rằng hãy im lặng để nghe người khác
nói. Quả tình, theo cách ấy, ông đã chuyển được giọng nói to lớn do cha
ông truyền lại sang giọng nói của người trần thế. Người ta đã nghe theo lời
ông đi tìm đồng và sắt về làm dụng cụ cày cuốc, và chặn sông suối lại để
lấy nước trồng lúa. Đến lúc này thì ông không còn lấy làm lạ lắm khi thấy
trong bộ tộc có người chết. Một đứa trẻ lên năm đã chết vì bệnh thiên thời.
Có người chết thì phải khóc hay sao? Sau đó không lâu, trong cuộc hành
trình học làm người trần thế, có lần trông thấy con nai con lạc mẹ, đói sữa,
sắp chết ở khu rừng nọ, ông đã khóc, là nhờ tình cảm thương xót đã thâm
nhập vào ông. Ông Ruông đã để cho ông Bảy Mươi Sáu đi theo ngả mà sau
này, vào thế kỷ thứ XII sau công nguyên, vua Jayavarman VII của đế quốc
Ang Co đã cho đắp thành đường nối kinh đô Ang Co của ông với Vijya,
kinh đô nước Chăm Pa, thuộc quốc của đế quốc Ang Co. Đi theo ngả ấy là
theo hướng mặt trời lặn. Hướng đi Tây Á. Đây là cơ duyên. Vừa ra khỏi bộ
tộc người ông gặp đầu tiên, ông Bảy Mươi Sáu đã gặp một người có nước