báo, thỉnh thoảng họp nghe phổ biến nghị quyết, thời sự để rồi... để đấy.
Lâu dần rồi cũng quen. Mặc cô Kim Thanh thao túng, mặc ông Phạm Lẫm
nhu nhược. Cái chức bí thư kể cũng nhàn.
Nhưng rồi Nguyệt về khách sạn. Bà bí thư đảng quen yên phận bỗng bị
dựng dậy. “Chị là bí thư chi bộ mà để khách sạn như thế này sao? Quần
chúng biết tin vào ai?” Thế là bà Bích San lại ý thức được vai trò của mình,
sồn sồn lên: “Đúng, cô nưu ý tới tôi như thế là rất đúng. Không để một cá
nhân lộng hành coi thường sự lãnh đạo của Đảng được. Một năm nay cô
Kim Thanh đã vô hiệu hoá bộ tứ, vô hiệu hoá cán bộ. Một cơ quan hàng
ngày tiếp xúc với khách nước ngoài mà Đảng không lắm được tư tưởng,
không điều hành đuợc tổ chức thì hỏng đến nơi”. Như một cỗ máy được lên
dây cót, bà Bích San bắt đầu khởi động một cách quyết liệt. Vụ Nguyệt
phát hiện nhóm Kim Thanh bán hàng ăn chênh lệch giá và lập quỹ đen trái
phép khiến bà mở cờ trong bụng. Cơ hội giành lại quyền lực đã kéo bà xích
vào Nguyệt, suốt ngày thầm thì chị chị em em hơn cả ruột thịt. Nhưng buồn
thay, cỗ máy vừa được lên dây cót ấy đã đứng sựng lại, rồi chuyển động
ngoắt một trăm tám mươi độ ngược lại khi Bùi Sùng thay vào đó một thứ
dây cót khác.
Bây giờ, giống như cái cô San hồi cải cách ruộng đất, bà Bích San lại sôi
sục trong từng mạch máu cái ý chí bảo vệ uy tín của tổ chức, đề cao cảnh
giác cách mạng. Thật hú vía, suýt nữa thì theo đuôi quần chúng, phản lại
ngót ba mươi năm đi theo cách mạng của mình. Dù trong tình huống nào
cũng phải bảo vệ lấy tổ chức. Một cá nhân mắc khuyết điểm, nhưng tổ chức
thì bao giờ cũng sáng suốt, trong sạch. Chủ nghĩa xã hội đã kéo mình từ
bùn đen lên thành một người cán bộ cách mạng. Dù chết cũng phải bảo vệ
thành quả của cách mạng. Anh Sùng nói rất thấm thía.
Phải vạch trần bộ mặt anh chàng Pôn Vericơn này. Bà Bích San gấp
quyển sổ bìa đỏ lại, thầm hạ một quyết tâm. Vừa lúc đó cánh cửa phòng bật
mở.
A, cô Kim Thanh. Vào đây. Này, cái tay Pôn ấy, cô phải bảo cô Mỹ Lệ
theo dõi nó chặt chẽ vào nhé. Tay này dứt khoát là có vấn đề đấy.