chú ruột đê tiện nhìn cô cháu gái trừng trừng, rồi bất ngờ cắn lưỡi định tự
sát, Nhưng lão không chết. Đội đã kịp thời cứu lão và dựng lão dậy để quần
chúng đấu tố tiếp. Sau sự kiện ấy, San hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ,
đoạn tuyệt luôn cả họ hàng thân thích. Cô theo một anh cán bộ đội cải cách
đến làm cấp dưỡng ở một cơ quan huyện. Rồi cô được kết nạp Đảng, được
đi học bổ túc, được đề bạt làm cán bộ tuyên huấn của hội phụ nữ huyện.
Nếu có năng lực và trình độ văn hoá, chắc chắn Bích San còn tiến xa, bởi
chồng cô liên tiếp được đề bạt từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh về Trung ương, bởi
cô thuộc thành phần cơ bản, có mối thù xương máu với phong kiến đế
quốc, lại là phụ nữ, thuộc diện ưu tiên số một khi cất nhắc vào cơ cấu.
Nhưng Bích San mắn đẻ quá, sáu năm đẻ liền bốn đứa lại không giỏi ăn nói
và giao thiệp. Bài tuyên huấn duy nhất của San là “ Xin nưu ý”, “ Phải đề
phòng…” thành thử tổ chức không thể chiếu cố mãi được. Rời hội phụ nữ
huyện, Bích San theo chồng lên tỉnh, làm công đoàn ở một công ty rau quả.
Khi ông chồng về Trung ương, Bích San về Hà Nội, tiếp tục làm công tác
công đoàn ở Công ty du lịch, và gần đây, được sự gợi ý của cấp trên, San
được cử về làm bí thư chi bộ của khách sạn Hà Thành.
Ở khách sạn Hà Thành, bà Bích San hầu như không có việc gì để làm.
Bắt đầu thời xoá bao cấp, khách sạn chuyển dần sang hạch toán, ban chủ
nhiệm chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về mọi chỉ tiêu kế hoạch,
thu chi hàng tháng, nên việc động viên tư tưởng chung chung trước đây
cùng mọi hoạt động thi đua hình thức dần dần bị loại bỏ. Làm bí thư chi bộ
mà bị vô hiệu hoá, bị coi như người thừa, thì thật buồn. Mà ức nữa chứ.
Ông Lẫm chủ nhiệm vừa kém năng lực, vừa nhu nhược. Cô Kim Thanh
thoả sức hoành hành. Đề nghị họp chi bộ, cô ta bảo: “ Thư thư đã chị ạ.
Họp mà ra tiền ra bạc, thì khách sạn mình đã giàu to rồi. Đang lo tháng này
kiếm đâu ra tiền để chi lương cho anh chị em đây”. Trao đổi về việc chấn
chỉnh lại bộ tứ, cô ta gạt phắt: “Bây giờ còn tam tứ cái gì nữa. Không đảm
bảo doanh số tháng này, công đoàn, chi đoàn có chịu trách nhiệm trước
hãng không?” Mọi ý định bị gạt ở hãng mà bà Bích San đành cắn răng chịu.
Thời buổi nó thế biết làm sao. Đành hàng ngày đến cơ quan đọc mấy tờ