“Những năm trước, tại khách sạn Hoa Sen, anh ta đã quen thân với
Hoàng Dạ Nguyệt. Cuộc nói chuyện tại khách sạn Thắng Lợi đêm quốc
khánh, phải chăng là một sự móc lối? Nưu ý cô Nguyệt có hai người chị
bên Pháp, di tản từ trước năm 1954. Nưu ý ý kiến của anh Bùi Sùng về
trường hợp có bàn tay địch phá hoại ngầm. Việc Nguyệt mời Pôn vericơn
trở lại khách sạn Hà Thành có nằm trong âm mưu này không? Cần báo cáo
với bên công an.
“Thống nhất với anh Lẫm và chị Kim Thanh tạm thời để cô Mỹ Lệ người
bán bar lên phụ trách phòng 23. Cô Mỹ Lệ có trách nhiệm theo dõi mọi
hoạt động của Pôn vericơn. Phát hiện dấu hiệu gì phải báo cáo ngay với tổ
chức.
“ Nưu ý động cơ của cô Nguyệt trong vụ đấu tranh với cô Kim Thanh.
Pôn đến khách sạn đúng vào thời điểm Nguyệt kiên quyết đòi ban thanh tra
của hãng xuống làm việc với khách sạn. Rất có thể anh ta sẽ khai thác
những tư niệu để phục vụ cho ý đồ xuyên tạc chủ nghĩa xã hội”.
Cuốn sổ và những dòng ghi chép hàng ngày làm cho Bích San phấn chấn
hẳn lên. Khác với những ngày trước đây, những ngày bà đến cơ quan như
một cái bóng, chẳng có công việc gì cụ thể, chẳng ai cần thỉnh thị, báo cáo,
hoặc trao đổi ý kiến gì, bây giờ bà đã có một công việc cụ thể, đúng với
chức năng và nhiệm vụ của mình, một công việc quan trọng, hoàn toàn
thuộc lĩnh vực tư tưởng chính trị đúng với cương vị của người làm công tác
Đảng.
Nhãn quan chính trị của bà Bích San phải nói rằng hết sức tinh nhạy và
đã ngấm vào máu thịt của bà như một tín điều. Ngày cải cách ruộng đất,
mới là một cô gái mười bảy tuổi, San đã ngồi trên ghế thẩm phán đấu tố địa
chủ. Sự kiện chính trị đầu tiên khiến San từ một cô gái nông thôn mới qua
lớp một trở thành một cán bộ cốt cán được đội cải cách tin cậy là cô đã tự
dựng lên câu chuyện ông chú ruột hãm hiếp cô ở chuồng trâu trong thời
gian ông ta nuôi cô khi bố mẹ cô chết. Trường đấu hôm ấy đông nghịt
người. Quần chúng lặng phắc khi San sa sả xỉa xói vào mặt ông chú ruột,
rồi vỡ bung ra hàng nghìn tiếng thét đòi tử hình tên địa chủ gian ác. Lão