- Đó, quần chúng đòi hỏi Ban thanh tra chúng ta phải trả lời. - Bùi Sùng
lại nói chõ lên phía chủ tịch đoàn. - Tôi đề nghị đồng chí Hoàng Dạ Nguyệt
lên phát biểu.
Hàng trăm cặp mắt đổ dồn về phía Nguyệt. Những cặp mắt hả hê. Những
cặp mắt bùi ngùi thương cảm. Nhưng Nguyệt dường như đã hoá đá, đã vô
cảm lâu rồi. Nguyệt như người đã chết ngay từ khi Trọng Lực đọc những
lời kết tội chị. Con người đôi khi khốn nạn tới mức, vì một sự hàm ơn, vì
một chút quà vặt, một khoản tiền bằng một tháng lương còm mà người ta
có thể bán cả lương tâm cho quỷ. Cái động cơ đẩy Lực lên diễn đàn kia đơn
giản vô cùng. Anh ta vừa được Kim Thanh lên công an quận đánh tháo cho
về trường hợp công an bắt quả tang lợi dụng phiên trực đêm để dẫn gái vào
cho khách nước ngoài. Anh ta lại vừa được Kim Thanh thưởng đặc cách
một trăm ngàn đồng về công tác bảo vệ đêm an toàn. Và tất cả các vị nữa,
thưa các vị nhân danh quần chúng ngồi đây. Mỗi tháng các vị lĩnh bao
nhiêu lương? Bình quân năm mươi ngàn có phải không? Nhưng quà tặng,
tiền bồi dưỡng và tiền thưởng thì các vị lĩnh gấp chục lần số đó. Ai chi tiền
cho các vị? Bà Kim Thanh chứ không phải tôi. Vậy thì các vị ủng hộ chân
lý hay ủng hộ người phát tiền cho các vị? Rõ cả rồi. Một triết gia nào đó đã
nói, quần chúng là một lũ kiến, chúng chỉ hành động vì một hạt đường, một
giọt mỡ phía trước. Những kẻ lợi dụng quyền lực bao giờ cũng lợi dụng sự
khốn cùng và bản tính tham lam của con người để lấn át phần lương tri,
lương thiện vốn làm nên dân trí của mọi thời.
Đôi mắt Nguyệt rực lên, và đẹp đến kiêu sa, lướt quanh hội trường. Chị
không nhìn ai cả, không mảy may biểu lộ một sự thù hận hay nỗi khinh bỉ.
Một đôi mắt vô cảm, dửng dưng với hết thảy, vượt lên hết thảy.
- Kìa đồng chi Nguyệt. Mời đồng chí lên phát biểu. - Bùi Sùng đưa cả
hai bàn tay lên.
Nguyệt đứng dậy. Chị quên cả động tác tắt chiếc nút bấm của máy ghi
âm trong túi xách.
- Xin lỗi. Hôm nay ở đây, tôi không có ai là đồng chí cả. - Nguyệt nói và
bình thản đi ra.