cái đuôi của sự mông muội. Bi kịch lớn nhất là một dân tộc bị bỏ quên, bị
cô lập khỏi cộng đồng. Tất nhiên, cần phải có bản sắc. Không có bản sắc,
anh sẽ bị hoà lẫn ngay lập tức vào đám đông và không bao giờ còn là một
cá thể, một chủ thể độc lập. Rất nhiều lần Pôn muốn nói với Nguyệt những
điều đó, để thức tỉnh ở nàng cái khả năng hoà đồng, gợi mở tình yêu vượt
khỏi khuôn khổ khô cứng. Và, riêng về phía khách hàng, anh có thể gợi ý
điều gì cho nàng trong việc quản lý một ngành du lịch. Nhưng sao mà khó
khăn. Dường như tâm hồn nàng vẫn luôn đóng kín trước anh. Nàng e ngại
và kín đáo, thận trọng và ngờ vực, luôn cố tạo ra một ngăn cách vô hình với
anh. Bởi thế mà anh luôn luôn ở trong tâm trạng thất vọng. Càng thất vọng
càng bị hấp dẫn và đắm đuối. Giống như một viên ngọc quí đựng trong
bình pha-lê, nhìn thấy đó mà không có cách gì mở khoá lấy được.
Lần này, Pôn quyết thay đổi chiến thuật. Cả buổi chiều nay anh làm cho
Nguyệt phải khổ sở vì tìm kiếm, chờ đợi. Phải tạo một tình huống để buộc
nàng phải bộc lộ. Anh sẽ ở đây cho đến chiều tối.
Ngoài kia, hoàng hôn bắt đầu buông trên mặt biển. Những dãy đảo
chuyển thành màu tím thẫm, như hàng ngàn con trăn nước trườn trên mặt
nước mờ sương. Và gió ào ạt thổi, phả hơi nước mát ẩm pha chút mặn chát
của biển khiến da thịt như được xông tắm trong một nhà tắm hơi khổng lồ.
Pôn thích thú phơi trần ngực áo và quay nhìn ra hướng gió. Bỗng anh tròn
mắt và cười ngất lên:
- Ô. Đêm trăng vàng. Ngọn gió biển tuyệt vời nào đã đưa Nguyệt đến
đây?
Ông chủ quán cũng tròn mắt nhòm ra. Trước mắt ông là một thiếu phụ
đẹp lộng lẫy với đôi mắt rực sáng vừa thảng thốt vừa mừng rỡ.
- Ông Pôn. Ông làm tôi lo hết hồn. Tôi đã đi tìm ông khắp các bãi biển.
- Xin lỗi. Tôi cứ nghĩ rằng Nguyệt sẽ rất thanh thản khi tôi đã không
quấy rầy nữa...
Nguyệt bặm môi nhìn Pôn như một cô bé đang hờn dỗi. Ánh mắt ấy,
trong khoảng khắc làm tim Pôn như đứng lại. Nếu không có ông chủ quán,
nếu anh uống thêm một li nữa, có lẽ anh đã ôm choàng lấy Nguyệt.