- Ông lý đã nói thì chắc là đúng. Nào, mời bác vào nhà!
Khách vào nhà. Bà Giáp niềm nở chào khách. Khách nhìn quanh nhà rồi
bảo:
- Nghe nói bác vừa săn được con lợn lòi to lắm. Số bác thế mà hào hoa.
Ông Giáp giọng khiêm nhường:
- Đâu có ạ. Cũng đầu tắt mặt tối lắm. Bác cửu thì cơm vua, lộc nước mà
chả sướng; còn tôi thì cơm vợ lộc rừng làm sao mà hào hoa được.
Nem chua, thịt lợn rừng và rượu ngon được dọn ra. Chủ mời khách. Ông
cửu không khách khí, vừa nhắm rượu, vừa tấm tắc:
- Tôi nói có sai đâu. Món này chỉ có vua chúa mới có. Còn rượu nữa,
rượu ngon tuyệt.
Ông cửu cố làm ra vẻ thân tình. Còn ông Giáp mặc dù là vai chủ, ông
cũng rất khó nhập cuộc. Tính ông vốn thẳng, không đóng vai tuồng được.
Từ nãy đến giờ ông Giáp vẫn chưa đoán ra ý định của khách đến nhà ông
vì việc gì, nên ông vẫn cứ vừa trò chuyện vừa thăm dò ý tứ. Nhân rượu ngà
ngà say, ông cửu mới ngỏ lời:
- Bác còn giữ bốn cái chân đất của con lợn không?
- Có, tất nhiên, thưa bác lý. Chân giò lợn lòi, nai, hoẵng… là vị thuốc bổ
rất tốt đấy ạ.
- Tôi biết! - Ông cửu nói - Sành thuốc thì tôi không bằng bác. Chẳng
giấu gì bác, nhà tôi vừa sinh cháu, mẹ nó mất sữa, người ta mách chân lợn
lòi hầm với cháo nếp mà ăn thì sẽ nhiều sữa. Chắc bác vui lòng để lại cho
tôi.
Nguyên là ông Giáp có một rẫy lúa rất tốt. Lúa đang vào chắc thì lợn
rừng đàn về. Ông và mấy bạn săn tìm những con đường dẫn tới rẫy lúa đặt
bẫy. Đàn lợn lần lượt sa bẫy, hôm thì một con, hôm thì hai ba con. Đàn lợn
vãn dần. Rẫy lúa thu hoạch xong, bẫy cũng được tháo gỡ hết, vì mùa săn đã
bắt đầu, sợ chó săn vướng phải bẫy. Hôm ấy vào buổi trưa, chú Bào hộc tốc
chạy đến. Chưa kịp ngồi xuống chú đã hỏi:
- Cái bẫy ở cây trám già anh đã gỡ chưa?