Con lợn vừa hất nghiêng mặt thì ngọn mác từ tay ông Giáp đã lao vào
nách nó. Ngọn mác của chú Bào cũng lao tiếp, đè con lợn độc đồ sộ xuống.
Thì ra chú Bào vừa đi được mấy bước, nghe tiếng con lợn hộc và tiếng
của ông Giáp quát thì quay phắt lại. Chú thấy ông Giáp ngã ngửa, còn con
lợn đang lao tới mà chú thì chưa đến kịp, chú cất tiếng kêu trời. May mà
ông Giáp rất bình tĩnh. Ông co hai chân lại, dùng miếng võ gia bảo “ngọa
hồi thôi sơn cước”, tức là nằm xuống, chân đạp đổ núi. Ông Giáp đã biến
thế bị động thành chủ động. Con lợn bị đạp tống vào mắt bật lại. Cùng lúc
con Sói Lửa đã tấn ngang trước mũi nó. Chỉ cần giây lát ấy ông Giáp đã bật
dậy và quát áp đảo con lợn…
- Bán thì tôi không bán đâu! - Ông Giáp thành thật. - Nhưng quả thật bác
cần thì tôi xin biếu.
Bà Giáp bao giờ cũng hết sức chu đáo. Nghe chồng ngỏ lời biếu ông
khách bốn cái chân giò lợn lòi, bà lấy xâu chân con lợn lòi treo trên gác bếp
xuống, lau sạch muội khói và bồ hóng, mang ra đưa cho chồng. Ông khách
vội buông đũa, xoa hai tay vào nhau:
- Quý hóa quá. Hai bác quý hóa quá.
Câu chuyện tưởng đã chấm dứt, nhưng không. Ông khách đặt xâu chân
giò lợn rừng sang bên, rồi hỏi như thể vì vui chuyện:
- Nghe đồn bác có con chó rừng, đâu như tên nó là Sói Lửa khôn lắm à?
Nó đâu?
Ông Giáp không hiểu được ý định của khách, vẫn vui vẻ nói:
- Người ta đồn thổi thế thôi. Nó là con sói con mẹ là sói, bố là con Báo
Vàng, tôi nuôi bằng sữa con Khoang nên cũng coi như chó nhà. Của đáng
tội, có lúc nó cũng còn mang tính chó rừng.
- Nó đâu rồi, bác cho tôi xem nó một chút?
Ông Giáp muốn thỏa mãn tính tò mò của khách, nên bảo thằng Dũng dắt
con Sói Lửa vào. Thấy con chó khác thường: chân cao, vai nở, cầu vai cao,
to hơn cả chó tây, tai dỏng ngược và mõm đen, bốn chiếc răng nanh nhọn
hoắt, ông cửu lùi vào, co chân lên giường phòng ngừa. Ông Giáp cười, bảo: