- Trông thế chứ nó hiền lắm!
Thằng Dũng trao cái dây buộc chó cho ông khách, rồi lùi ra. Thấy người
lạ cầm lấy dây, con Sói Lửa gừ gừ khe khẽ trong cổ họng. Ông khách vừa
kéo khẽ sợi dây lại vừa gọi, giọng nịnh bợ:
- Nào, em, Sói Lửa, lại đây!
Ông đưa tay ra định xoa lên đầu nó. Con thú dữ bỗng nhe nanh ra, gừ lên
giận dữ. Ông khách vội rút tay lại. Ông Giáp cười, bảo con Sói Lửa.
- Sói Lửa, yên nào! Nằm xuống! Không được cắn khách.
Con chó nhìn chủ vẫy đuôi, rồi khẽ khàng nằm bẹp xuống. Ông Giáp
bảo:
- Bây giờ thì bác không sợ nó gầm gừ nữa đâu.
- Ôi, con quỷ, nó làm tôi giật cả mình. Sao lại thế ạ?
- Suy cho cùng, nó cũng như người vậy thôi, làm theo ý chủ mà! Lúc nãy
nó gầm gừ là vì tôi chưa bảo nó dừng, lại ngỡ là bác định bắt nó mà.
Câu nói vô tình của ông Giáp, không hiểu sao làm ông cửu hơi đổi sắc
mặt. Hình như vẻ mặt ông hơi tái đi, ánh mắt đưa nhìn ông Giáp hơi có vẻ
gian trá, dò xét. May sao ông Giáp không để ý nên vẫn giữ được hòa khí
của cuộc chuyện trò. Ông cửu hiểu ra rằng ông Giáp chẳng nghi ngờ gì, nên
ông lại trở lại vui vẻ. Ông hỏi chủ nhà về tính tình con Sói Lửa, về thói
quen, cách cho nó ăn uống, những cử chỉ cần thiết, và lời lẽ để sai khiến nó.
Ông Giáp thành thật kể cho khách nghe. Ông cười:
- Tôi cứ ngỡ như bác sắp treo ấn từ quan để theo cái nghề “lạc thảo” của
chúng tôi ấy. Con Sói Lửa còn là một con chó non, còn có thể rèn cặp tiếp
để nó trở thành con chó săn tốt đấy. Nghĩ rằng, xin bác xá lỗi, bác cũng sức
lực có thừa, đường đất thông thạo, thời trai trẻ đường tên, ngọn mác cũng
quen dùng, sao không lấy núi ngàn, đồng nội làm vui với bầu bạn, cứ còm
cõi đi về nơi công đường.
Ông cửu Cử có vẻ suy nghĩ. Ông chỉ gật đầu, không nói năng gì. Rồi
xách lấy xâu chân giò lợn rừng, chào nhà chủ, ra về. Nhưng câu chuyện
không chỉ có thế.