không dám đến gần. Con thú dữ chốc chốc lại dừng lại, cất tiếng rú kinh
hồn. Ông Giáp và chú Tín chạy ra cổng. Ông dặn chú Bào và cánh thợ săn:
- Hình như nó cắn chết con Sói Lửa rồi, nó đang càm mồi mà chạy. Mỗi
chú đứng một góc nhà, khi nó chạy vòng lại thì nhắm thật trúng đầu mà
đập. Nó chạy ra cổng đã có chúng tôi.
Sau câu nói của ông Giáp, con quái vật đã vòng lại, chạy quanh nhà. Từ
ngoài cổng, ông Giáp hét to:
- Cẩn thận đấy! Nó chạy quanh. Đập cho trúng.
Bỗng mọi người nghe choang một tiếng, và giọng chú Bào reo lên:
- Trúng rồi! Cái đầu con gì như bằng sành ấy.
Con quái vật bị đập trúng, nhưng không chết, nó bị choáng, nghiêng
nghiêng cái đầu chạy ra vườn một đoạn mới kêu ẳng ẳng. Ông Giáp và
cánh thợ săn chạy đến chỗ chú Bào. Ông Giáp gọi vợ xách đèn ra. Thì ra
cái đầu bằng sành của con quái vật là cái hũ nước gạo. Con quái vật là con
Sói Lửa. Nó thò đầu vào hũ nước gạo để lấy xâu thịt và bị mắc kẹt. Con
chó vô cớ đã bị một đòn đau. Mọi người tần ngần một lúc rồi cười vang.
Ông Giáp nhìn cái hũ bị vỡ và xâu thịt nai còn nguyên, ông nói:
- Tôi đã có lỗi với con Sói Lửa, tôi đã giảng hòa với nó, nhưng không
chịu sửa lỗi lầm đến nơi đến chốn, suýt nữa lại mắc lỗi lầm lớn hơn.
Ông Giáp cất tiếng gọi con Sói Lửa. Phải một lúc lâu nó mới chạy đến.
Ông ôm lấy nó, xoa đầu nó. May quá, nhờ có cái hũ bằng sành mà nó tránh
được cú đánh trời giáng của chú Bào. Ông Giáp bảo vợ thái xâu thịt ra, trộn
thêm ít cháo cho nó ăn. Ông bảo:
- Tôi đã không hiểu ra rằng, công sức của nó không được vứt vào hũ
nước gạo. Nó tìm bằng được phần của nó là đúng.