- Xong! Nhấc tấm lưới ra trước, rồi nhấc đến chiếc
hòm các tông chụp ra. Cẩn thận. Có thể còn dây vướng dưới đáy đấy!
Bà Natalia khen thầm cách tổ chức cũng như những nút dây buộc khéo
léo của anh. Những người khác, khi tháo dỡ thế này, các nút dây thường rối
tung, rối mù lên. Nhiều khi phải dùng dao cắt từ trong. Mồ hôi đổ nhễ nhại
càng làm họ luống cuống hơn. Riêng Thắng, anh chỉ thấy nhón mấy đầu
ngón tay là xong. Cuộn dây được Thắng đan thành một tấm lưới chụp vào
hoặc gỡ ra chỉ cần ném vài đầu mối là xong. Nhẹ nhàng, thuận lợi và chắc
chắn biết bao.
Những người thợ bốc vác đã rút chiếc hộp các tông chụp phía trên ra. Họ
phải lột một tấm chăn chiên rồi một tấm mút đệm nữa mới thấy lộ ra nước
sơn nâu lâu ngày bóng lộn lên. Một chiếc đàn dương cầm hiện ra.
- Thưa bà, đây là chiếc đàn Pianô! Số lượng một ạ!
Thắng làm ra vẻ lễ phép nhưng không giấu nổi vẻ khiêu khích!
- Được!... Nhưng hình như không phải là đàn của chúng tôi. - Bà thiếu tá
hỏi lại.
- Dạ! Đúng thế! Bà quả là người thật tinh. Chiếc Pianô này của Ytalia
đó, thưa bà.
- Anh kiếm ở đâu ra thế? Không phải ở viện bảo tàng âm nhạc đấy chứ? -
Bà vẫn giữ giọng hài hước, như đùa.
- Không, ở ngay cửa hàng đồ cũ trung tâm! Của một bà cụ rất già sống
độc thân. Bà ký gởi đã bốn năm mà không có ai ngó ngàng tới. - Thắng
trình bày - Tôi có lấy biên lai của cửa hàng. Bà có thể kiểm tra ngay ạ!
- Anh có biết cây đàn này được sản xuất vào năm nào không?
- Dạ, không chính xác lắm! Nhưng theo lời kể của bà cụ thì đã rất lâu.
Cụ cho biết, từ lúc đẻ ra, cụ đã thấy cây đàn này kê ở một góc phòng rồi!
Bà thiếu tá ngó xung quanh cây đàn. Thắng nghĩ, chắc bà ta muốn kiểm
tra xem mình có giấu cái gì đó bên trong hộp đàn chăng? Nhưng không
phải, bà lẩm bẩm. "Đây là loại đàn rất cổ". "Dạ, vâng, có lẽ thế!" Thắng đế
theo. Sau khi đã cố tìm "êtikét" quanh các góc để tra cứu lý lịch của cây