đàn mà không thấy, bà thiếu tá lật nắp đàn lên. Những ngón tay phải của bà
lướt qua một lượt trên các phím mầu trắng ngà. Rồi như hứng chí, cũng chỉ
với những ngón tay đó, bà nhấn mạnh hơn vào một số phím, đánh lên một
bản nhạc ý rất vui, bài "Mặt trời của tôi". Tiếng đàn ấm, ngân rất sâu dưới
bàn tay của bà thiếu tá làm mọi người sửng sốt, thán phục.
- Bà chơi không kém gì một nhạc công chuyên nghiệp. Thắng buột
miệng thốt lên khi tiếng đàn ngừng bặt, và anh đột ngột hỏi tiếp. - à, bà có
biết Đặng Thái Sơn của chúng tôi?
- Biết! Người đã đoạt siêu cúp Sôpanh chứ gì? Hồi còn ở thủ đô, tôi cùng
con gái có đi xem anh ta biểu diễn một lần ở nhà hát lớn. Một tài năng âm
nhạc thực thụ và rất lớn đó!... Khi anh ta đã kết thúc buổi biểu diễn mà
khán giả chúng tôi vẫn chưa muốn ra về! Chúng tôi cứ đứng mà vỗ tay. Để
đáp lại sự ngưỡng mộ của công chúng, anh ta đã trình bày một bản dân ca
Việt Nam với tiếng vó ngựa khua rất rộn ràng và vui. Tôi mường tượng ra
như tiếng nhạc ngựa đám cưới thì phải.
- Bà thực sự có thẩm mỹ âm nhạc tuyệt vời! Đó là bài "Lý ngựa ô". Một
khúc dân ca nói về tình yêu của tổ tiên chúng tôi từ ngàn xưa. Người con
trai, sau khi đã đỗ đạt, vinh thăng, không quên mối tình cũ, đem ngựa về
đón người yêu về chung sống trọn đời.
- Tuyệt quá nhỉ? Thế anh có định cho con anh thành một Đặng Thái Sơn
thứ hai không?
Câu hỏi này của bà thiếu tá quả thực làm cho Thắng rất bất ngờ. Nhưng
rồi anh cũng tìm cách trả lời được.
- Ước muốn về tương lai của con cháu ai mà không có, thưa bà! Nhưng ở
đất nước tôi, đất nước nông nghiệp lạc hậu nên ước muốn gì thì gì, không
bao giờ thoát ly thực tế. Bởi vậy mới có câu ca thế này, "nhất sĩ nhì nông,
hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ".
- Thế à? Thế thì tôi hiểu! Hiểu rõ rồi. Bà thiếu tá hạ giọng lẩm bẩm vẻ
suy nghĩ rất lung. Thắng hoàn toàn không hiểu cái hạ giọng và những suy
nghĩ đang diễn ra rất quyết liệt trong đầu óc bà. Anh bảo mọi người đóng
gói lại rồi để ra góc kia! - Bà chỉ tay ra một chỗ trống.