xe máy phải tỳ, phải đẩy, phải nhún, phải nén đến vỡ ngực, rã cánh tay đến
phát ho, phát hen lên. Nhưng như thế vẫn chưa phải là đủ. Nay ông quản lý
thị trường đến đòi thu thuế, kiểm tra giấy sửa chữa kinh doanh. Mai mấy
chú công an mặt non choẹt đến hoạnh hoẹ đòi dỡ lều để đảm bảo mỹ quan
và trật tự công cộng. Ông biết họ "sinh chuyện" thế cho vui đấy thôi. Chỉ
vài điếu "đầu lọc" với câu "vâng, dạ" là êm tất. Nhưng vốn tự trọng, ông
không cho phép mình làm như vậy. Là ông đành tặc lười, nhổ lều.
Cuối cùng, bà đề nghị để bà ra chợ, mở mấy mẹt hàng khô. Ngày xưa, bà
đã có cả cửa hàng lớn ở một chợ chính ở Hà Nội... Ông gạt đi "thôi, quay
lại cái nghề tiểu thương ấy làm gì". Ông đã có cách khác, nhẹ nhàng mà êm
thấm biết bao nhiêu. Đó là chuyện Thắng vừa gửi Minh chuyển hộ về chiếc
tủ lạnh. Vợ Thắng vốn ngại đưa về nhà. ở khu tập thể, có hàng ở Tây về dễ
sinh chuyện, kẻ ghen thế này, người chọc thế nọ. Thế là ông tính, bán
quách đi gửi vào tiết kiệm dài hạn. Cái vốn vẫn nằm đó, mấy năm sau
Thắng về, cần chi dùng gì sẽ rút tiền ra... Còn lãi là phần ngọn, ông dùng
thêm thắt vào việc chi tiêu hàng ngày của hai ông bà già. Thật nhất cử,
lưỡng tiện. "Tự nhiên lại có ông con trưởng đem lương hàng tháng về mà
lại không phải mời ăn". Ông đã đắc chí nói với cả nhà như vậy. Và tiền lãi
tháng đầu tiên, ông dành hẳn ra mua quà cho tất cả các cháu. Nhưng rồi,
ông cũng không học được chữ ngờ. Phải, một người như ông, không bao
giờ có nổi một ý nghĩ quanh co, mọi cái đều thẳng băng thì chuyện ông va
vấp cũng là lẽ thường. Vừa lĩnh xong lãi suất tiết kiệm của tháng thứ hai,
đùng một cái, chính sách Giá - Lương - Tiền như chụp xuống đầu ông. Số
dư trong sổ tiết kiệm của ông từ mười đồng, theo quy định mới bị đánh
xuống còn một và tiếp theo đòn đó, giá thị trường lên theo chiều thẳng
đứng của loại tên lửa hiện đại nhất. Bà cuống cuồng giục ông rút tiền ra
nhưng không được. Sổ của ông thuộc diện gửi dài hạn, mà lãi suất đã trót
lĩnh hai tháng rồi. Phải chờ hết ba năm mới được rút ra. Thế là than ôi, số
tiền, giá bán một chiếc tủ lạnh để trong sổ tiết kiệm, sau vài ba tháng chỉ
còn giá trị bằng nửa kilôgam thịt lợn. Và thực tế cuốn sổ tiết kiệm ấy ông
chỉ để làm kỷ niệm.