Phần
12
N
hưng rồi mọi việc không được gói gọn trong sự chờ đợi ấy. Đồng
lương của hai ông bà cộng lại cũng là con số cũ nhưng sao nó cứ teo dần.
Nhiều buổi, bà đi chợ có đến cả tiếng đồng hồ mà chỉ mua về một mớ tép
"kỳ cò" tức là loại cá vừa nhỏ, vừa nát y như mới được lấy ở diều cò ra với
mấy mớ rau muống già. Bà cằn nhằn "Cầm đồng bạc đến mướt mồ hôi tay
ra mà không biết tính toán mua gì cho được". Ông đáp: "Thời buổi này có
ai sống nổi bằng đồng lương đâu. Về hưu cũng phải nghĩ cách mà kiếm
thêm thôi". Bàn tính mãi, ông bà quyết chí đi buôn rau. Thứ hàng này vừa
ít vốn lại quay vòng nhanh. Ông bà lại có thuận lợi là ở ngay ngoại thành.
Ông chỉ cần dậy sớm từ hai, ba giờ sáng, mua lấy một xe thồ, sáng ra bà
ngồi bán, đến trưa là thu được vốn và đã lãi ra được dăm bẩy chục. Công
việc đang trôi chảy thì ông lăn ra ốm vì tuổi cao, sức yếu, đâu còn được
như thời trai trẻ là tay đua xe đạp, là con cá kiếm bơi hàng dặm bẩy cây số,
là võ sĩ trong hội Hướng đạo sinh ngày nào. Giờ đây chỉ cần những hạt
sương sớm cuối thu, đầu đông cũng đã quật đo ván ông bằng những cơn ho
xé phổi vì viêm phế quản. Lần thứ nhất, sau lúc về hưu, ông phải giải nghệ.
Lần thứ hai, ông tính "mình đã ở Bách Nghệ, nghề ngỗng có trong tay, ra
dựng cái lều chữa xe đạp, xe máy chắc sống được". Nhưng sự đời ít khi
chiều theo lòng người, nhất là đối với người đã về già "mãn chiều, xế bóng"
suốt ngày phơi mặt ở ngoài đường, sửa được cái xe cũng chật vật, không dễ
một chút nào. Xe ngoại, xe tốt, chẳng việc gì phải chữa. Khách tạt vào rặt
một loại "tòng tọc", chỉ cần xiết mạnh cờ lê một tý là long ra như đồ hàng
mã. Chiếc săm mục, sáng vá chỗ này, chiều xì chỗ khác, khách khứa kèo
nhèo khiến ông khổ tâm. Khổ và nhục nữa! Bơm được một bánh xe, nhất là