như mọi người vẫn nói. Nhưng ông chỉ cười xoà. Nụ cười đầy tự hào về sự
cống hiến suốt bốn mươi năm cho cách mạng. Ngay từ trước tháng 12 năm
1946, ông đã được điều lên Việt Bắc lập an toàn khu kháng chiến.
Trong thời gian "thực tập hưu" tức lúc nghỉ chờ chế độ, lãnh đạo Bộ có ý
nới thêm diện tích nhà cho ông. Nhưng ông đã từ chối. Ông nghĩ, các cụ
già bây giờ rất khó sống chung với con cháu. Tốt nhất là kiếm một mảnh
đất nhỏ ở ngoại ô cho yên tĩnh. Về quê lắm cái phiền. Ông bán mảnh đất
"hương hoả" ở quê để mua mảnh vườn ở phía tây thành phố. Vì không lấy
thêm nhà nên ông được cơ quan phân phối cho vạn gạch, một tấn xi măng
và mấy trăm cân sắt với giá rẻ gần như biếu không. Những năm tháng đầu
tiên, ở ngoại ô ông cảm thấy khoái chí. Không khí vừa tĩnh, vừa thoáng.
Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, ông mới thấy vô vàn sự bất tiện nảy sinh ra. Trước
hết là điện và nước. Những lúc nóng nhất hoặc lạnh nhất cần đến điện thì bị
cúp. Còn cả thị trấn mới có một vòi nước công cộng, chảy chậm rì rì như
són ra từng giọt. Nước mưa chỉ có mùa. Rồi chuyện tem phiếu cũng lắm lôi
thôi. Phiếu dầu nội thành được bốn lít. Còn ngoại thành chỉ có hai lít rưỡi.
Gạo hàng tháng cũng chậm hơn vì không được quan tâm như khu vực nội
thành. Và thật lắm cái phiền, từ chuyện chiếc bờ rào, cái giọt gianh cho đến
cái lối đi chỉ đủ đặt hai bàn chân cũng đã để thù nhau đến suốt đời. Lần đầu
tiên trong đời, ông chợt thấy mình sai lầm. Một sai lầm rất nhỏ nhưng
không còn khả năng để sửa. Không hiểu có phải sai lầm đó đã gây nên cái
chết sau này của ông hay không? Nhưng ông muốn đổi nhà ra nội thành ư?
Tiền đâu? Đóng cửa để nhẩy ra với con cháu trong căn buồng mười sáu mét
vuông ở tít tầng ba ư? Cũng không được. Thế là hai ông bà già đành thúc
thủ, bó gối chờ ngày đến cõi.