nước lạnh, ông vẫn thờ thẫn ra thị trấn xếp hàng chờ báo về. Lúc này những
bài chống tiêu cực đang rộ lên. Ông háo hức theo dõi với một tâm trạng vừa
vui mừng vừa bực bội. Những bài phê phán sự yếu kém trong quản lý thì
ông cười, thừa nhận là đúng vì ông vốn là con nhà kỹ nghệ nên ông hiểu.
Nhưng những bài về cơ chế về đường lối, chính sách và những chuyện
tham ô, hối lộ làm thất thoát tài sản lớn của các cán bộ có chức, có quyền
thì ông rất nghi ngờ. Quả nhiên ông thấy mình đúng, những bài chống tiêu
cực chỉ nở rộ một thời gian ngắn rồi lịm đi. Nhưng ở ông đã hình thành một
thói quen, một nhu cầu cần đọc. Đọc để giải trí, giết thời giờ nhàn rỗi quá
nhiều trong ngày. Mặt khác, việc đọc làm cho ông mềm mại ra, uyển
chuyển hơn trong tính cách và suy nghĩ. Và rồi tình cờ, trên một tạp chí
Văn nghệ ông đọc được một truyện ngắn viết về vấn đề người Việt Nam ở
nước ngoài. Một đề tài lạ, chưa thấy ai đề cập, khai thác. Mới đầu ông chỉ
ngó lướt qua. Nhưng rồi do sức cuốn hút của cốt truyện và vấn đề đã khiến
ông phải đọc lần thứ hai một cách chăm chú hơn. Đọc xong, ông lặng đi,
tháo cặp kính lão bỏ vào chiếc bao bằng nhôm. Không hiểu thế nào, ông lại
chuyển tờ tạp chí Văn nghệ cho bà vợ lúc đó đang ngồi khâu vá một chiếc
sơ mi cũ.
- Bà đọc đi! Đọc đi! Chuyện họ viết về thằng Thắng nhà mình ở nước
ngoài đấy bà ạ! Nói rồi ông chép miệng rồi buông một tiếng thở dài và khẽ
lắc đầu.
Thấy chồng sốt sắng, lại nói là chuyện viết về đứa con mình ở bên Tây,
bà cũng hào hứng đón nhận. Để cho dễ đọc hơn, bà còn tìm đổi một cặp
kính có độ phóng đại lớn hơn. Và trước mắt bà một dòng chữ to, đen đậm
hiện ra với tiêu đề Hạnh phúc mỏng manh.
Đọc hết khổ mở đầu, bà chưa thấy gì lạ. Nhưng từ
khổ thứ hai bà bị cuốn hút ngay. Bà phải lùi lại, tựa hẳn tấm lưng mỏng
và gầy vào thành những chiếc nan của chiếc thành giường dẻ quạt cũ kỹ, tỏ
rõ quyết tâm đọc cho đến hết.
"Đã gần ba năm trôi qua, nhưng Tâm vẫn nhớ như in những ngày đầu
mới đặt chân đến thành phố xa lạ này. Nhớ đến đoạn tầu điện ra khỏi thành