trường công; dù có phải đi học rất xa và còn bị đánh tụt xuống một lớp.
Nhà ở gần bờ sông, những ngày lũ lụt, Thắng cũng biết ra sông vớt củi.
Nhìn mái tóc bết lại, khét lẹt mùi nắng của con, ông biết là nó vất vả và cả
nguy hiểm nữa. Ông thương lắm mà vẫn phải nhắm mắt làm ngơ như
không biết gì vì túng bấn quá. Mỗi bó củi Thắng vớt về cũng đỡ được tám
hào bạc đến một đồng. Đỡ hẳn một khoản chi. Rồi thời gian cứ vùn vụt trôi.
Thắng vào đại học và tốt nghiệp, rồi vào thẳng tuyến lửa vùng khu Bốn cũ.
Đến lúc đó hai cha con đã như bằng vai, phải lứa rồi. Bản thân ông cũng
xông pha nơi mưa bom, bão đạn tại các công trường bảo đảm giao thông
thời đánh Mỹ chứ có kém cạnh gì. Mấy ngày vừa rồi, hai ông bà đèo nhau
đến thăm vợ con Thắng. Được Vân cho biết, Thắng viết thư về thông báo
mọi chuyện vẫn bình thường. Nhưng nàng dâu cũng nói thêm cho ông hay
rằng, một số người ở Tây về kêu ca là việc gửi hàng rất khó khăn, căng
thẳng. Thậm chí có người đã hết hợp đồng lao động mà vẫn chưa về được
vì có trục trặc trong việc chuyển gửi hàng hoá, đồ đạc. Câu chuyện của Vân
càng làm cho ông thương cảm đến những nỗi vất vả của Thắng.
"Mình đã già, đổi tâm đổi tính rồi chăng? Hay sự thật là cuộc sống quá
cam go, mệt mỏi?". Ông duỗi thẳng hai chân, nằm bất động, mắt nhắm lại,
cố thở vào thật sâu kết hợp với đếm lẩm nhẩm để xua đuổi những hồi tưởng
đang ám ảnh mình. Nhưng rồi cảm thấy bất lực, mặc dù ông đã vận hết cả
bài dưỡng sinh của phép y-ô-ga thần diệu mà vẫn không xua đuổi được
những ý nghĩ "tiêu cực" cứ miên man trong đầu...
- Cha tiên nhân cái con mẹ đẻ thằng bố nhà chúng mày! Cái con vật nó ở
nhà bà thì nó là con gà. Nó vào nồi nhà chúng mày thì nó là cú, là quạ, là
thần đanh đỏ mỏ mổ vào mắt, móc đứt ruột gan nhà chúng mày!... Những
đứa ăn không, ăn hỏng kia! Con gà nhà bà, mào đỏ như thế, nó đang tìm ổ
đẻ mà nó nỡ ăn thịt của bà... Tiên nhân cha cái con mẹ đẻ ra thằng bố nhà
chúng bay...
Đã mấy hôm nay, đi đâu thì thôi, chứ có mặt ở nhà là mụ Thoán lại cất
mồm chửi rủa. Giọng chửi của mụ trầm bổng, có bài có bản như một khúc