Khi bà đọc xong, gấp cuốn tạp chí lại, ông chợt nhận thấy những giọt
nước mắt lăn qua gò má nhăn nheo của bà.
- Sự đời đến là phức tạp, ông nói với bà nhưng đồng thời cũng như thể
nói với chính lòng mình. Những tưởng đi Tây là sung sướng, chỉ việc đưa
tay ra khuân của về. Ai ngờ cũng lắm chuyện đau lòng.
- Chẳng hiểu thằng Thắng nhà mình thế nào? Chứ cứ như trong truyện
người ta viết thế này thì cũng cực lắm! Bà xót xa đế thêm. Mà ngày mai,
ông đèo tôi đến chỗ con Vân, xem nó và cháu dạo này thế nào? Vợ thằng
hai, thằng ba, được tiếng là chồng bộ đội nhưng mà một năm còn gặp nhau
được đôi ba lần. Đằng này xa cách biền biệt bốn, năm năm ròng. Cũng khổ!
- Cũng là cái duyên, cái số thế nào! Giá như hồi ấy nó đồng ý cái Hoà,
con ông Vượng... - Ông vội nói sang chuyện khác để giảm nỗi xúc động
của bà.
- Cái con Hoà được cái nết na, hiền hậu. Nó mê thằng Thắng đến chết
mệt. Còn ông Vượng quý thằng Thắng hơn cả con trai. Nhưng hoàn cảnh
nhà người ta khác. Giàu có quá chắc cu Thắng nhà mình sợ. Nhất là tính
khí bà Ba Ngòi. Sắc lạnh đến rợn người. Con mình nó cũng được cái tự
trọng.
- ờ, đó là giả định thế thôi! Chứ giá mà thằng Thắng nó bập vào, có khi
lại khó xử trong quan hệ giữa nhà mình với gia đình bên ấy. Thông gia
không khéo thành oan gia. Cứ thế này lại hoá ra tiện. Tình bạn từ thuở thiếu
thời giữa tôi với ông Vượng chẳng bao giờ mất, mặc dù mỗi người một chí
hướng, một sở nguyện.
- Mà con Hoà cũng với được tấm chồng tươm tất lắm!
- Cũng được cái vỏ phó tiến sĩ. Nhưng ông Vượng bảo cũng phải tốn
khối tiền mới câu được từ Hoàng Liên Sơn về Hà Nội đấy bà ạ.
Từ truyện trong sách, hai ông bà già chuyển đề tài, lan man sang những
vấn đề tưởng chừng không đâu. Nhưng có điều lạ là từ sau hôm ấy, ông
Thành hay nghĩ vẩn vơ. Có lúc ông lại cảm thấy tiếc cái tủ lạnh của thằng
con gửi về mà ông đã trót bán và đem gửi tiền vào quĩ tiết kiệm để bị cái
"Giá - Lương - Tiền" biến gần thành con số không. Đúng hơn là ông thấy