lạnh đầu tiên của mùa thu, và từ cánh cửa sổ mở ở lầu ba bốc ra mùi gay gắt
của chất sơn pha loãng.
Khi bước vào sảnh, Shamron đưa mắt nhìn hộp thư cho căn hộ số ba và
thấy không có bảng tên. Ông nặng nề leo cầu thang. Dáng người ông đậm,
và như thường lệ, ông mặc quần kaki và áo khoác da cũ kỹ bị rách bên ngực
phải. Mặt ông nứt nẻ và chi chít vết chân chim, chút viền tóc bạc còn sót lại
bị cắt ngắn đến mức gần như biến mất. Tay ông như da thuộc, lấm tấm đồi
mồi, và dường như được mượn từ một bàn tay nào đó to gấp hai lần ông.
Bàn tay kia của ông cầm một tập hồ sơ.
Cửa đang khép hờ khi ông lên đến chiếu nghỉ cầu thang lầu ba. Ông đặt tay
lên cửa, nhẹ nhàng đẩy vào trong. Căn hộ này từng được trang trí tỉ mỉ bởi
một phụ nữ Do Thái gốc Ý có khiếu thẩm mỹ tuyệt vời. Bây giờ đồ đạc
trong nhà, cũng giống người phụ nữ, không còn nữa, và căn hộ được biến
thành một xưởng vẽ. Tuy nhiên, đó không phải là xưởng vẽ của một họa sỹ,
Shamron tự nhắc nhở. Gabriel Allon là một nhà phục chế - một trong ba
hay bốn nhà phục chế tài năng nhất trên thế giới. Bây giờ anh đang đứng
trước tấm vải lớn vẽ cảnh một người đàn ông bị bao vây bởi những con mèo
ăn thịt. Shamron yên lặng ngồi trên chiếc ghế đẩu dính sơn nhìn Gabriel
làm việc. Ông luôn cảm thấy kỳ lạ về tài bắt chước nét vẽ các bậc thầy thời
xưa của anh. Đối với Shamron, đó là một trò ảo thuật, là một một tài năng
trời phú khác của Gabriel bên cạnh khiếu ngôn ngữ của anh hay khả năng
rút súng Beretta khỏi hông ngắm bắn chỉ trong khoảng thời gian một cái vỗ
tay.
“Chắc chắn bức vẽ trông đẹp hơn lúc nó mới được đưa tới”, Shamron nhận
xét, “nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao nhiều người muốn treo những bức
tranh như thế trong nhà mình”.
“Bức tranh này sẽ không được treo trong nhà”, Gabriel nói, tay đưa chiếc cọ
lên bức vẽ. “Đây là một tác phẩm của bảo tàng”.
“Ai vẽ nó?”. Shamron hỏi đột ngột, như đang tra vấn thủ phạm đặt bom.
“Nhà đấu giá Bohnams ở Luân Đôn nghĩ đây là tác phẩm của Eramus
Quellinus”, Gabriel trả lời. “Có lẽ Quellinus đặt nền tảng cho bức vẽ thật,