xòe tay lên mũi và kêu suỵt suỵt với bọn Đức rất ngang nhiên, anh rất ngộ
nghĩnh và rất anh dũng đến mức người ta đã đồng thanh bầu anh lên.
Ý kiến của anh được mọi người hoan hô nhiệt liệt.
- Chắc không phải anh là người sẽ bênh vực điện ấy, Tôtôn nói với tôi,
đền đài, đối với Vanhtrax… ối chà! Anh thì cóc cần, những đền của vinh
quang, và những tiệm vĩ nhân! Đúng không, bạn công dân?… Nào, ta hãy
đem mà gạt hết các vị ấy đi!…
Tôi đã mất công ghê gớm để ghim Tôtôn lại, và để giải thích cho anh
rằng tuy tôi không ưa các đền đài, tôi cũng không yêu cầu người ta sử dụng
những cái đó để phá hoại một nửa Pari.
Nhưng họ bướng như quỷ, và mặc dù tôi đã nói hết điều, họ vẫn cứ
quyết định kết liễu điện Păngtêông. Ấn Păngtêông vào tường!
Và khi người ta còn đây, ấn vào tường cả Xanh-Êchiên-đuy-Mông và
Thư viện Xanhtơ-Giơnơvievơ!… nhưng nó cũng chẳng đáng gì hơn!
Chúng tôi đã phải kéo nhau ra bốn năm người – và là những anh to
đầu – viên thị trưởng dẫn đầu, vài viên chỉ huy đứng đắn và một tổ chiến sĩ
công xã bình tĩnh hơn, để ngăn chặn những đầu óc bốc cháy ấy nhảy xổ vào
điện Păngtêông như vào một tên phản động. Lúc ấy người ta đã đặt ở chân
điện Păngtêông dây nhồi thuốc súng và tẩm dầu hỏa.
- Làm thế này, các anh ngỡ khủng bố đám dân quê mà hóa ra sẽ khủng
bố anh em mình! Rồi thì các mụ lắm điều sẽ gọi các anh là kẻ cướp, và các
khu phố khác sẽ lùi đến tận bọn Phổ… không khéo đến tận Vécxây!
Chúng tôi đã phải nói đến những câu ấy, phải nắm lấy khuy áo họ,
phải la họ hàng tiếng đồng hồ!
Lại còn phải tìm lý lẽ để bác một ông già bé nhỏ, lão gãi sọ liên hồi
suốt lúc tranh luận, rồi cuối cùng nói, giọng rất nhỏ nhẻ:
- Thật ra, các bạn công dân ạ, tôi tưởng như, vì danh dự của Công xã,
tốt hơn cả là chúng ta không rút lui khi nổ… Việc này chỉ hay nếu chúng ta
ở lại đấy, và nếu cúng ta cùng nổ tung với quân lính… Tôi không phải nhà
hùng biện, các bạn công dân ạ, nhưng tôi cũng có chút xét đoán của tôi…