tù Nhà nước ấy đổ xô vào dỗ dành và ôm hôn đưa bé như thế nào! Một
người đã tết một con nộm bằng một mảnh vải, một người khác chạy đi mua
con búp bê một xu. Đồng xu ấy là tiền thuốc lá của anh, tối hôm đó anh đã
nhịn hút. Và người ta lấy giẻ buộc vết thương nhỏ với mối xúc động mạnh
hơn cả khi người ta băng bó vết thương lớn của một chiến sĩ bị gẫy chân,
gẫy tay một cách thảm hại, trong một trạm cứu thương lưu động ở ngã tư.
Chàng trai có cặp mắt sắc sảo định viết một cuốn sách. Anh đang viết;
tôi ngờ là như thế.
- Phải, tôi đã ghi lại những điều tôi trông thấy ở Tu-lông. Tôi đã viết
đầy hai quyển vở to bằng này. Tôi sẽ đưa ông xem, nếu ông quá bộ tới nhà
tôi.
Chúng tôi đã hẹn nhau.
- Ông sẽ gặp vợ tôi, đó là con gái ông Pooc-nanh, ông Chân gỗ.
Một con người mảnh dẻ, duyên dáng, vẻ cao quý, nhưng buồn rầu –
buồn đến chết! – và một mối u sầu không tên, không biết từ đâu đến, phản
ánh một niềm đau đớn khôn nguôi và âm thầm! Tóc chị màu tro, một màu
tro để lộ ra vì buồn phiền mà đổi màu; một sự phát hiện đau đớn nào đó,
chắc một buổi tối, đã rắc tro lên mái đầu xanh ấy, bằng những vết nhăn nhỏ
hằn lên như sợi tơ.
Chị hững hờ đáp lời chào nhạt nhẽo của chồng và gần như đau lòng
mà phải đón tiếp tôi.
Tôi đã nói chuyện với chị về ông thân sinh chị, chiếc Chân gỗ nổi
tiếng đã có giờ phút vang âm của nó trong lịch sử âm thầm của những biến
cố tháng Hai.
- Vâng, tôi là con gái ông Pooc-nanh. Cha tôi xưa là một người chính
trực!
Chị đã nhắc đi nhắc lại điều đó nhiều lần: “một người chính trực!”,
con mắt nhìn xuống, hai cánh tay nhỏ khoanh trên ngực, chị xích ghế ra –
tôi tưởng như thế - để chồng khỏi chạm vào mình khi anh ta chạy lại gian
buồng để tìm tập bản thảo.