một bộ đồ tây may sẵn với mấy cái đồ lót. Xong việc hắn về ngay vì đã
khuya.
Lúc bước ra thang máy hắn gặp lại người ngoại quốc lộn phòng lúc nãy.
Anh ta có vẻ trầm ngâm, đứng tì tay lên bao lơn ngó xuống khoảng sân
nhỏ. Thấy Trần Dũng đi ngang qua gã gật đầu chào, nụ cười rất dễ mến.
Những ý nghĩ xấu về gã chợt biến đi. Trần Dũng hỏi gã bằng tiếng Anh:
- Anh là người Nga?
- Không. Tôi là người Ý.
- Vừa rồi anh có xem những trận tranh tài Italy 90 không?
- Có. Nhưng chỉ qua truyền hình.
- Vậy anh sang đây đã lâu?
- Vài tháng.
- Anh ở Hà Nội mới vào?
- Không. Tôi vừa đến từ Pleiku. Tôi có một người bạn Pháp ở Sài Gòn.
- Một người Pháp? Tôi quen khá nhiều người Pháp ở Sài Gòn. Trước giải
phóng tôi làm ở đồn điền cao su Plantation de Terre Rouge.
- Ồ, gã kêu lên rồi ngưng bặt như thể đã lỡ lời, gã nói:
- Sài Gòn dạo này buồn hơn những năm trước.
Trần Dũng cảm thấy câu chuyện như thế đã đủ hắn chào người Ý nọ và
trở về phòng mình.
Sáng hôm sau hắn ăn điểm tâm qua loa rồi đến bưu điện Sài Gòn đánh
điện đi Đà Nẵng cho một người bạn, ở đó tình cờ hắn gặp lại bà Monique,
người đàn bà Pháp trên chuyến phi cơ bị nạn ngày trước. Bà ta gần như kêu
lên khi nhận ra hắn. Và ở cái tuổi bốn mươi, bà trông cũng chưa đến nỗi
nào. Bà Monique hỏi:
- Lâu nay anh không trở lại Đà Lạt?
- Không. Tôi bận nhiều việc lắm.
Hai người đã ra đến đường cái. Người đàn bà vui mừng thấy rõ. Bà hỏi
đủ thứ chuyện và than phiền là người Việt Nam rất khép kín. Trần Dũng