- O.K. Ông nên nhớ tôi là người Việt Nam mà.
- Tốt lắm. Sáng mai gặp lại ở khách sạn nhé. Ta nói chuyện nhiều.
Trần Dũng nghĩ, nghề buôn lậu ma tuý đối với hắn quả là một nghiệp
chướng.
"Chém cha cái số ba đào.
Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi."
Bà Monique tưởng hắn nói gì nghe không rõ nên hỏi lại. Hắn đáp:
- Tôi chợt nhớ ra hai câu thơ của một thi sĩ Việt Nam.
Thế là người đàn bà hỏi tới tấp về Nguyễn Du. Rồi cũng như lần gặp trên
phi cơ cách đây hai năm, bà tỏ ra là một người rất thích thơ văn, âm nhạc.
Trần Dũng phải lái câu chuyện sang hướng khác.
- Trưa rồi. Chúng ta đi ăn một cái gì.
Trời đang nắng ráo bỗng tối sầm lại. Gió cuốn lá bay tạt vào cửa kính.
Đèn trong nhà hàng bật sáng. Trần Dũng cảm thấy thú vị trong căn phòng
ấm cúng ấy. Người bồi bàn đến bên bàn, cúi chào và đưa bản thực đơn.
Những món ăn Tây đối với hắn không có gì xa lạ. Bà Monique tỏ ra khâm
phục sự sành ăn của hắn. Chiều nay hắn muốn ngồi rỉ rả nhâm nhi nhìn
mưa rơi bên ngoài để nhớ lại những ngày sống như thú vật ở trại giam, và
để gặm nhấm cái cuộc đời ba chìm bảy nổi của hắn từ hồi để chỏm chăn
trâu nhịn đói nhịn khát cho đến bây giờ.
Cơn mưa đến vội vã và ào ạt lúc nãy bây giờ trở nên rả rích, thủ thỉ hiền
lành.
Sài Gòn âm u trở thành người tình xưa rất buồn.
Bàn tay hắn cầm ly rượu, uống liên tục, chuếnh choáng. Trong cơn say
bao giờ hắn cũng cảm thấy cô độc. Không nhớ ai cả, nhưng buồn. Hắn hiện
nguyên hình là một trẻ mục đồng ngủ quên trên đồi cỏ. Hắn say đến độ
không biết mình đã về khách sạn từ lúc nào chỉ thấy một căn phòng xa lạ và
lộng lẫy. Bà Monique đỡ hắn nằm xuống giường của bà. Tuy vậy bà không
tỏ ra khó chịu. Bà lấy cho hắn một cốc nước lạnh, hắn uống từ tốn và mỉm
cười với bà. Trước mặt hắn không phải là người đàn bà đẫy đà nữa mà là