chín giờ sáng đến năm giờ chiều thứ Ba và thứ Năm, để mở cửa tiệm nhỏ
của chính mình, bốn mét rưỡi chiều rộng, ngay từ ngày đầu tiên cửa sổ đã
đề hàng chữ đen cỡ lớn, "Kim cương - Trang sức - Đồng hồ" và bên dưới là
dòng chữ nhỏ hơn, "Sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn và trang sức
cao cấp." Ở tuổi ba mươi hai rốt cuộc ông cũng bắt đầu làm việc sáu, bảy
mươi giờ một tuần cho gia đình mình thay vì cho tiệm của Moe Abelson.
Để thu hút lực lượng lao động đông đúc của Elizabeth đồng thời tránh làm
cho mười nghìn người Công giáo thường xuyên đi lễ nhà thờ của thành phố
cảng này cảm thấy xa lạ hoặc e ngại cái tên Do Thái của ông, ông gia hạn
trả góp không giới hạn - chỉ cần đảm bảo họ trả trước ít nhất ba mươi hoặc
bốn mươi phần trăm. Ông không bao giờ kiểm tra các khoản trả góp của họ;
miễn là ông có thể bù đắp được chi phí thì họ có thể trở lại tiệm sau, trả vài
đô la mỗi tuần, thậm chí không trả ông cũng chẳng để tâm. Ông không hề
phá sản vì nợ trả góp, và lòng tín nhiệm của khách hàng mà sự linh hoạt ấy
mang lại còn có giá trị cao hơn thế. Ông trang trí cửa tiệm cho hấp dẫn hơn
bằng vài món đồ bạc - bộ đồ trà, khay, đĩa, lò hâm, giá đỡ nến mà ông vẫn
bán siêu rẻ - và vào mùa Giáng sinh nào ông cũng vẽ cảnh tuyết và Ông già
Noel trên cửa sổ, nhưng ý tưởng thiên tài nhất là đặt tên cho cửa tiệm không
phải bằng tên mình mà là Tiệm Trang sức Người Phàm, trên khắp hạt
Union, vô số người phàm, những khách hàng trung thành của ông đã biết
tới cái tên đó cho đến tận khi ông nhượng lại cửa tiệm cho một nhà bán
buôn rồi nghỉ hưu ở tuổi bảy mươi ba. "Mua kim cương với người lao động
là chuyện lớn lắm," ông bảo các con, "viên nhỏ mấy cũng vậy. Người vợ có
thể đeo nó cho đẹp mà cũng có thể đeo vì đẳng cấp. Và khi cô ấy làm thế,
anh chàng đó sẽ không chỉ là thợ sửa nước nữa - anh ta là người đàn ông có
vợ đeo kim cương. Vợ anh ta sở hữu một thứ bất khả hủy hoại. Vì ngoài vẻ
đẹp, đẳng cấp và giá trị, kim cương còn bất khả hủy hoại. Một mẩu bất khả
hủy hoại của trần gian, vậy mà một kẻ chỉ là người phàm tục lại đang đeo
nó trên tay!"
Lý do ông bỏ tiệm Abelson vào lúc vẫn đủ may mắn được trả lương
trong suốt thời kỳ suy giảm và sau đó là những năm tồi tệ nhất của kỳ Đại