Phần 8
Ngần ấy lần phẫu thuật và nằm viện đã chính thức biến ông thành một kẻ
cô đơn và kém tự tin hơn hẳn so với những năm đầu mới nghỉ hưu. Thậm
chí cả sự yên bình và tĩnh lặng ông hằng trân quý dường như cũng bị biến
thành một dạng xà lim biệt giam tự sinh, và ông bị săn lùng bởi cảm giác
mình đang tiến đến đích cuối. Nhưng thay vì chuyển về khu Manhattan dễ
bị tấn công, ông quyết định chống lại cảm giác xa lạ với thế giới xung
quanh do những hạn chế về thể xác, mà nhập thế mạnh mẽ hơn nữa. Ông
làm việc này bằng cách tổ chức hai lớp dạy vẽ hàng tuần cho dân trong
làng, một lớp buổi chiều cho người mới bắt đầu, và một lớp buổi tối cho
những ai đã hơi hơi quen với màu vẽ.
Có chừng mười người tại mỗi lớp, và họ rất thích tụ tập trong xưởng vẽ
sáng sủa của ông. Nói chung, học vẽ chỉ là cái cớ để họ ở đó, và phần lớn
trong số họ đến lớp vì cùng lý do ông mở lớp: kiếm tìm mối liên hệ dễ chịu
với người khác. Chỉ có hai người là không hơn tuổi ông, và mặc dù tuần
nào cũng tụ tập trong tâm trạng vui tươi thắm tình đồng chí, những cuộc nói
chuyện lần nào cũng quay về chuyện ốm đau bệnh tật, chuyện đời tư của
họ, đến lúc này đã đồng nhất với chuyện đời thuốc men của họ, và những
lời trao đổi dữ liệu y tế áp đảo gần như mọi thứ khác. Tại xưởng của ông,
họ dễ dàng nhận ra nhau qua bệnh tật hơn là qua những bức vẽ. "Đường
huyết của ông thế nào rồi?" "Huyết áp bà ra sao?" “Bác sĩ của bà bảo sao?"
"Ông nghe chuyện hàng xóm tôi chưa? Di căn tới gan rồi." Một ông còn
đeo cả bình ô xy di động đến lớp. Một ông khác thì run bần bật vì Parkinson
nhưng vẫn muốn học vẽ. Tất cả bọn họ, không trừ một ai, đều phàn nàn -
đôi khi tếu táo, đôi khi không - về chuyện ký ức ngày một mờ đi, và bảo
tháng năm và xuân hạ trôi qua nhanh ra sao, cuộc đời chẳng còn chuyển
động theo tốc độ cũ nữa. Có hai phụ nữ phải điều trị ung thư. Một bà phải
bỏ dở khóa học để trở lại bệnh viện điều trị. Bà kia thì đau lưng rất dữ và