người quảng đi ăn mì quảng
155
mạn, người viết chỉ giới hạn trong việc ghi nhận cách
sử dụng từ ngữ khi chat và đôi điều cần lưu ý về ảnh
hưởng của nó với giới trẻ.
Tán gẫu (giữa hai người hoặc nhiều người) đôi khi
hướng tới những đề tài nghiêm chỉnh, nhưng thông
thường là nói những chuyện vu vơ, ngẫu hứng, thù
tạc bông lơn trong đó pha trộn những câu chọc cười,
những trò trêu ghẹo hoặc có lúc khiêu khích; nói chung
một nhóm bạn rảnh rỗi ngồi kháo nhau đủ chuyện
trên trời dưới đất thì gọi là “tán gẫu”. Từ điển tiếng Việt
của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa “tán gẫu” là “nói
toàn những chuyện không đâu chỉ để vui đùa” cũng có
ý na ná như thế. Mà đã gọi là kháo chuyện thì không
ai lại nói năng mực thước, rề rà, đủng đỉnh, nói như
vậy buồn chết. Phải đối đáp, tung hứng nhanh nhẩu,
giòn giã, phải “nổ như bắp rang” thì mới “khí thế”!
Tán gẫu qua mạng không thể “đốp chát” bằng tán
gẫu qua... miệng, thiếu không khí ồn ào náo nhiệt đã
đành, tốc độ gõ phím cũng không thể nhanh bằng tốc
độ lời nói. Để khắc phục điều này, dân chat mới chế ra
hàng mớ ký hiệu bằng tiếng động và hàng mớ ký hiệu
khác bằng hình ảnh (chủ yếu là gương mặt) để biểu
hiện mọi trạng thái hỉ nộ ái ố của người chat hòng tăng
phần sôi động. Và để cho cái sự “tán gẫu qua mạng”
theo kịp tốc độ của “tán gẫu qua miệng”, nghĩa là để
tốc độ của chữ viết nhanh bằng lời nói, dân chat toàn
cầu mới nghĩ ra cách viết tắt.