56
nguyễn nhật ánh
trực tiếp. Đứng trước một rừng đào hoa nở, ai cũng
cảm nhận được vẻ đẹp của nó, bất kể sự khác biệt về
tuổi tác, trình độ, thậm chí dân tộc. Nhưng đứng trước
bức tranh vẽ chính rừng đào đó thì chưa chắc khách
thưởng lãm đã nhất trí trong sự phẩm bình. Rừng hoa
khi đi vào trong tranh, nó không còn là chính nó nữa,
mà đã được tái tạo bằng biện pháp nghệ thuật. Nói
cách khác, nó đã được “mã hóa” bằng ngôn ngữ của
nghệ thuật. Bởi vậy, nó không còn là hoa. Nó là tranh,
đòi hỏi phải “giải mã”, đòi hỏi sự am hiểu nhất định
về hội họa.
Văn chương cũng vậy. Đó là một thế giới đã được
sắp xếp lại dưới bàn tay sáng tạo của nhà văn, muốn
khám phá và cảm thông, người đọc ngoài tri thức
không thể không trang bị khả năng cảm thụ. Trang bị
từ đâu? Thiết nghĩ, từ môn văn trong nhà trường.
Có thể nói chất lượng của lớp công chúng văn học
ngày mai tùy thuộc phần lớn vào chất lượng giảng dạy
môn văn trong hiện tại. Cố nhiên những môn học khác
như lịch sử, địa lý... cũng góp phần bồi đắp tâm hồn
của học sinh, nhưng làm cho học sinh biết xúc động
trước một trang văn hay, xao xuyến trước một câu thơ
đẹp, qua đó biết yêu quý, trân trọng tiếng mẹ đẻ và
phát triển lòng say mê văn học, đó là trách nhiệm của
môn văn. giải quyết tốt hay không tốt những vấn đề
của mình, môn văn sẽ góp phần tạo ra hay không tạo
ra lớp công chúng có trình độ cảm thụ văn học nói
riêng, và khả năng lãnh hội cái đẹp nói chung.