người quảng đi ăn mì quảng
57
Dân trí phát triển, trình độ thưởng thức văn học của
công chúng sẽ biến chuyển theo. Nhưng nếu nâng cao
dân trí chỉ bó hẹp trong phạm vi tri thức mà xem nhẹ
việc giáo dục thẩm mỹ, sự biến chuyển đó e rằng chẳng
mấy sâu xa. Đã có một thời, môn văn được giảng dạy
như một môn chính trị đạo đức. Học sinh học văn cốt
để hiểu bài văn nói gì chứ không phải nói như thế nào.
Khi hình thức nghệ thuật không được chú trọng, văn
chương đánh mất vẻ duyên dáng của chính nó. Học
sinh học để hiểu hơn là để cảm. Khổ thay, phần cảm
đã không đậm đà thì phần hiểu cũng dễ trở thành lớt
phớt. Cũng như khi ta đứng trước một người con gái,
đã không cảm nàng thì còn mất thì giờ tìm hiểu làm
chi!
Đọc sách để cảm thụ rồi đi đến chỗ yêu mến, gắn bó
với một nền văn học không phải là chuyện giản đơn.
Sự hứng thú đối với văn chương sách vở nếu không
được chuẩn bị chu đáo ngay từ khi còn mài đũng quần
trên ghế nhà trường sẽ dễ bị sự bề bộn của cuộc sống
làm cho phai nhạt.
* * *
Ông bà ta dạy “Học ăn học nói học gói học mở”.
Những chuyện “đời thường” đó còn phải học, thưởng
thức nghệ thuật lẽ nào là chuyện “tự nhiên nhi nhiên”?
Không phải cặp mắt nào cũng nhìn thấy được vẻ đẹp
của một bức tranh trừu tượng, một điệu múa ballet.