58
nguyễn nhật ánh
Cũng như không phải đôi tai nào cũng động đậy khi
nghe một vở opéra, một bài giao hưởng. Không được
đưa vào làm quen - dù là làm quen có tính cách “xã
giao” - trong nhà trường, những loại hình này ngày
càng xa lạ với đám đông. Nhưng đó không phải là số
phận dành riêng cho nghệ thuật hiện đại. Những loại
hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo cũng
chịu một nỗi hẩm hiu không kém. Với cùng một lý do
như trên, công chúng ngày nay không cảm thụ nổi cái
đặc sắc của nghệ thuật hát bội, và càng ngày loại hình
này càng có nguy cơ tàn lụi nếu không kịp thời biến
tướng để thành một thứ gì đó không phải là mình.
Tuổi trẻ bây giờ đa số thích nghe ca khúc, xem kịch
nói, phim ảnh - những nghệ thuật có ngôn ngữ gần với
đời thường nhất, vì vậy ít “lôi thôi” nhất.
Bàn về nghệ thuật, những người có liên quan đều nói
một cách dễ dàng: “Phải kết hợp dân tộc với hiện đại”.
Nhưng nếu để mặc sự kết hợp đó xảy ra bên ngoài môi
trường giáo dục và đào tạo chính quy của quốc gia thì
sự bền vững và sức lan tỏa của nó phỏng có là bao!
Trong thực tế, không ai thi vào Trường Nghệ thuật
sân khấu chỉ để học cách thưởng thức môn hát bội,
cũng chẳng làm gì có người ghi tên vào Nhạc viện cốt
để mai này biết rung động trước bản giao hưởng Anh
hùng của Beethoven. Những nơi này đào tạo những
người hành nghề chứ không phải những người thưởng
ngoạn, những nghệ sĩ chứ không phải là công chúng
bao la.