"Chuyện này đơn giản thôi." Điều tra viên nói, "Tôi có nghe qua
chuyện Trương Cử nướng lợn (1) thời xa xưa đã giải quyết được vấn đề này
rồi."
(1) Trương Cử dùng cách nướng lợn để thử nghiệm, kiểm chứng được
cách phân biệt giữa bị thiêu sống đến chết và bị thiêu xác sau khi chết.
Thông thường, pháp y chủ yếu xem trong đường hô hấp của nạn nhân có
"hội chứng hô hấp nhiệt" và bụi than hay không để phán đoán nạn nhân bị
thiêu khi còn sống hay bị thiêu xác sau khi chết. Với công nghệ hiện đại có
thể phân biệt được nhờ xét nghiệm hàm lượng khí carbon monoxide (CO)
trong máu tim của nạn nhân.
"Tuy thi thể đã bị thiêu hủy rất nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ vẫn có
thể xác định được Chiêm Sỹ Mai là bị thiêu xác sau khi chết." Tôi nói,
"Chủ yếu là có các căn cứ sau: thứ nhất, trong thực quản và khí quản còn
sót lại, phế quản, tiểu phế quản, thậm chí là trong khoang miệng đều không
phát hiện thấy muội tro và bụi than. Điểm này giống như đồng chí vừa nói
khi nãy, đây chính là ví dụ cho Trương Cử nướng lợn."
"Nhưng, không thể chỉ dựa vào hiện tượng này để đưa ra kết luận
được." Đại Bảo nói.
Tôi gật đầu, nói, "Đúng vậy. Trong một vài vụ án hỏa hoạn, nhất là
những vụ có nổ hoặc cháy bùng lên, có khả năng đường hô hấp của nạn
nhân chịu nhiệt đột xuất, cổ họng lập tức sưng lên, làm nghẽn đường hô
hấp, sẽ không hít phải bụi tro. Như vậy sẽ gây ra hiện tượng giả thiêu xác
sau khi chết. Trong vụ án lần này, vì cổ họng nạn nhân đã bị thiêu hủy hoàn
toàn, không thể kiểm tra xem nó có bị sưng hay không, vì vậy, nếu chỉ dựa
vào điểm này vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng được."
"Còn có căn cứ khác không?" Điều tra viên hỏi.