không thể đạt được. Đây chính là sự khác biệt giữa người kiên nhẫn và người không kiên nhẫn,
thành quả của họ tất nhiên cũng sẽ khác nhau.
Lòng kiên nhẫn của Khương Tử Nha thực sự đã vượt xa người bình thường. Sau khi xuống núi,
ông hoàn toàn không vội vàng du tẩu tứ xứ. Nhận thấy thời thế vẫn hỗn loạn như trước, ông
liền hạ quyết tâm, nhất định phải lựa chọn một quân chủ xứng đáng để phò trợ. Ông nghĩ, một
vị vua tài đức sáng suốt cần có lòng kiên nhẫn và tầm nhìn đặc biệt hơn người, và vua nước
Chu - một nước chư hầu của nhà Thương khi đó - chính là một người như vậy.
Tuy vậy, Khương Tử Nha cũng không vội vàng trực tiếp đến gặp vua nước Chu, mà ông lại đến
bên bờ sông Vị, cách nước Chu không xa, ngày ngày câu cá. Điều kì quặc là, lưỡi câu mà Khương
Tử Nha dùng không phải là lưỡi cong, mà là một lưỡi câu thẳng, và tất nhiên là cũng không
dùng mồi câu!
Theo con mắt của người bình thường thì Khương Tử Nha thực sự là một lão già gàn dở. Thế
nhưng, ông có dụng ý riêng của mình mà không ai biết. Ông đang kiên nhẫn chờ đợi cơ hội!
Khương Tử Nha biết vua nước Chu đang cầu nhân tài, và ông cũng thật lòng muốn phò tá,
nhưng trước đó ông phải dùng sự kiên nhẫn của mình để thử thách vua Chu xem thật sự ông ta
có tầm nhìn hơn người hay không. Hành vi giống kẻ điên khùng này thực chất hàm chứa một
thâm ý đặc biệt. Đây cũng là điểm khác biệt giữa bậc thánh triết và người bình thường.
Mọi người cứ lần lượt truyền tai nhau hành tung kì quái của Khương Tử Nha, cuối cùng điều
này đã gây được sự chú ý đối với vua nước Chu. Vua cho rằng, Khương Tử Nha hẳn là một nhân
vật không tầm thường, lập tức đến bờ sông Vị, tìm ông lão dùng lưỡi câu thẳng câu cá. Câu
thành ngữ mà mọi người thường nói: “Khương Thái Công câu cá, kẻ tự nguyện mắc câu”, chính
là để chỉ câu chuyện này.
Đúng vậy, Khương Tử Nha dùng sự kiên nhẫn của mình để được vua nhà Chu để mắt đến. Vua
nhà Chu vì hiểu được sự kiên nhẫn này, nên đã có được một vị phò thần kiệt xuất, dựa vào đó
cuối cùng đã đánh bại nhà Thương. Đây chính là điều mà Gracián khen ngợi: Những người hiểu
được về sự chờ đợi luôn biết nhẫn nại và có một tấm lòng khoan dung độ lượng.
Gia Cát Lượng cũng là một người như vậy. Đương thời, ông thấy thiên hạ đại loạn, liền ẩn cư
chốn quê nhà. Nhưng kiểu ẩn cư này không phải là ăn không ngồi rồi mà là một sự trù bị, chờ
đợi. Gia Cát Lượng tuy ẩn cư nơi lều cỏ, nhưng trên thực tế ông luôn có cách nhìn riêng đối với
cục thế chính trị, xã hội đương thời và có kiến giải khác lạ đối với việc làm sao thống trị thiên
hạ. Vì vậy, người đương thời gọi ông là “Ngọa Long”.