Mọi người đều bàn tán, cười nhạo cậu ta, thậm chí người Hàn Quốc cũng thấy rất nhục nhã, xấu
hổ khi để cậu ta đi thi đấu. Trái lại, lão kì thủ luôn xuất hiện trước mắt công chúng với nét mặt
rạng rỡ, ung dung thong thả giống như đã vô địch vậy. Trên thực tế, tất cả mọi người cũng đều
cho là như vậy, họ dự tính, hiệp đấu tiếp theo cũng sẽ nhạt nhẽo giống như hai ván trước.
Hiệp đấu thứ ba đã bắt đầu, kì thủ trẻ ngồi đối diện với kì thủ già, nhìn thẳng vào mắt ông một
thoáng. Kì thủ già giật mình, ông đột nhiên cảm thấy đối thủ trước mặt giờ đây dường như
không phải là đối thủ của mấy ngày trước nữa, người trẻ tuổi đang ngồi trước mặt đây có ánh
mắt sắc bén, tràn đầy sát khí. Trong lòng lão kì thủ không khỏi dè chừng.
Quả nhiên, kì thủ trẻ ngay khi bắt đầu đã đi một nước cờ không ai ngờ tới, từ trước tới giờ
chưa có ai đi như vậy. Lão kì thủ bối rối, khán giả cũng ngưng thở, họ chưa từng thấy nước cờ
kì lạ như vậy. Trong những tiếng ồ lên đầy kinh ngạc của mọi người, hiệp ba đã nhanh chóng
kết thúc với chiến thắng thuộc về kì thủ trẻ.
Kết quả lại lặp lại ở hiệp đấu thứ tư, lão kì thủ liên tiếp bị đánh bại. Bây giờ đến lượt tinh thần
ông chán nản, thậm chí không còn dũng khí để thi đấu đến cùng.
Như vậy, đáp án đã rõ. Biểu hiện khác thường trước đây của kì thủ trẻ không phải do sợ hãi, mà
thực chất là một chiến thuật tâm lí. Cậu biết rằng nếu như chỉ đơn thuần dựa vào kĩ thuật thì
mình sẽ rất khó chống chọi được với một lão làng như vậy. Vì thế, cậu làm rệu rã ý chí của đối
thủ trước, sau đó bất thình lình đánh bại. Mưu kế ấy chính là “lùi để tiến” - thất bại trước, rồi
đánh úp bất ngờ, khiến đối thủ không kịp trở tay.
Đây chính là thượng sách: Che giấu ý đồ của bản thân, đừng cho người khác biết rốt cuộc mình
đang nghĩ gì. Đồng thời, ngoài mặt làm ra vẻ rút lui để có thể nhìn rõ chân tướng của họ. Đến
khi họ đã lộ rõ thì ta cũng đã tìm ra được diệu kế để làm sao có thể tiến lên.