Khi đi ra ông hiệu trưởng nhăn trán thì thầm với tôi rằng ông thanh tra
muốn gặp tôi vào tiết học tới, kể cả họ có phải cử người lên thay tạm. Tôi
biết rồi. Tôi biết. Tôi lại đã làm gì sai quấy nữa rồi. Có chuyện bực mình
đây mà không rõ tại sao. Hồ sơ của tôi sẽ bị phê xấu. Anh cố làm tốt nhất.
Anh đã tận dụng mọi cơ hội. Anh đã thử dạy cái cách mà trong suốt lịch sử
nhân loại chưa từng có ai dạy. Anh đã làm cho đám học trò hết sức phấn
khởi về thư xin lỗi. Nhưng bây giờ là lúc tính sổ, anh giáo ơi. Đi dọc hành
lang này là tới phòng hiệu trưởng.
Ông hiệu trưởng ngồi ở bàn giấy. Ông thanh tra đứng yên giữa phòng
gợi tôi nhớ tới hình ảnh một học trò trung học đang ăn năn hối lỗi.
À, thầy… thầy…
McCourt ạ.
Mời vào. Mời vào. Một phút thôi. Tôi chỉ muốn nói rằng tiết học vừa
rồi, dự án vừa rồi, bất kể thầy dạy quái quỷ gì ở đó đi nữa, thật tuyệt. Tuyệt.
Cái đó, anh bạn trẻ ạ, là thứ chúng tôi cần, đó là cách dạy sát với thực tế. Lũ
trẻ đó đang viết ở trình độ cao đẳng cơ đấy.
Ông quay qua nói với ông hiệu trưởng, Cậu bé viết lời xin lỗi cho Judas
đó. Xuất sắc. Song tôi ngần ngại một vài điều này nọ. Tôi không thật rõ viết
thư xin lỗi cho những kẻ độc ác hay tội phạm có phải là việc nên làm và
sáng suốt hay không, tuy nghĩ cho kỹ thì đó là việc các luật sư vẫn làm,
phải không nào? Qua những gì được thấy trong lớp của thầy, tôi nghĩ rằng
lớp thầy hứa hẹn đôi ba luật sư tương lai đầy triển vọng đấy. Tóm lại, tôi
muốn bắt tay chúc mừng thầy và nói rằng thầy đừng ngạc nhiên nếu mai
đây trong hồ sơ có nhận xét nêu bật việc thầy dạy sống động và sáng tạo.
Cám ơn thầy và có lẽ thầy nên hướng học trò về những nhân vật xưa hơn
nữa trong lịch sử. Thư xin lỗi cho Al Capone có hơi mạo hiểm đấy. Cám ơn
thầy lần nữa.
Lạy Chúa cả trên trời. Được thanh tra học chính toàn Staten Island hết
lời khen ngợi. Tôi nên vừa đi vừa nhảy nhót trên đường về lớp hay nên bay
bổng hẳn lên? Có ai phản đối không nếu tôi ca hát?
Tôi hát. Hôm sau, tôi bảo cả lớp rằng tôi biết một bài hát mà chúng sẽ
thích, một bài hát làm líu lưỡi, nó như sau: